Thành lập và điều hành một doanh nghiệp (DN) thật không phải dễ. Liệu bạn trẻ có dám mơ ước về một sự nghiệp thật hấp dẫn là trở thành một DN ngay khi còn rất trẻ không? Điều đó là hoàn toàn có thể với sự hỗ trợ từ nội dung của Đề án 103 của Trung ương Đoàn với dự án “Tư vấn, hỗ trợ thanh niên (TN) khởi sự DN và lập nghiệp” mà Bình Dương sẽ được thụ hưởng và triển khai thực hiện trong thời gian tới đây. “Tư vấn, hỗ trợ khởi sự DN” sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho bạn trẻ vươn lên làm giàu chính đáng
Từ đề án của Trung ương Đoàn
Nhận thấy nhu cầu làm kinh tế, khởi sự DN trong TN là rất lớn, vì thế, Chính phủ đã ra Quyết định số 103/2008/QĐ-TTg ngày 21-7-2008 đối với Đề án “Hỗ trợ TN học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015”. Theo đó, tư vấn và hỗ trợ TN khởi sự DN và lập nghiệp là một trong hai nội dung quan trọng nhất. “Một mặt giúp TN nắm vững kiến thức chuyên môn về kinh tế, tăng cường trao đổi kinh nghiệm khởi sự DN, quản lý và điều hành DN tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Mặt khác, giúp TN phát huy tốt sở trường, năng khiếu, đóng góp sức trẻ vào quá trình và bảo vệ Tổ quốc”.
Mục tiêu của đề án là giúp cho những người lao động trong độ tuổi TN có nhu cầu khởi sự DN và lập nghiệp, trong đó ưu tiên các nhóm đối tượng TN nông thôn, dân tộc thiểu số, sinh viên và TN khuyết tật. Cụ thể sẽ phổ biến kiến thức khởi sự DN cho 100% TN có nhu cầu lập DN, đào tạo tập trung cho 250.000 lượt TN, 700.000 lượt TN sẽ được tư vấn về khởi sự DN và lập nghiệp... với các nội dung như lựa chọn dự án sản xuất, kinh doanh; các hình thức đầu tư sản xuất và thủ tục; kỹ năng tiếp thị và bán hàng; kỹ năng quản trị tài chính và thuế; kỹ năng quản trị nhân sự; phương pháp tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới; giới thiệu các mô hình lập nghiệp, khởi sự DN.
Và hành động của chúng ta
Căn cứ theo tinh thần Đề án 103 của Trung ương Đoàn vào nhu cầu thực tế của TN tỉnh nhà, Đoàn TN tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện từ nay đến năm 2015. Trong đó qua các hình thức đào tạo tập trung, đào tạo trực tuyến; tư vấn hỗ trợ trực tiếp, tư vấn hỗ trợ gián tiếp để trang bị kiến thức và giúp cho nguyện vọng của TN có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành hiện thực. Cụ thể sẽ có ít nhất 4 lớp đào tạo về khởi sự DN tại tỉnh cho 200 học viên, 2 chương trình gặp gỡ các chuyên gia, DN thành đạt cho TN có nguyện vọng khởi sự DN. Tổng cộng sẽ có khoảng 1.000 lượt TN được đào tạo. 100% các tổ chức Đoàn cơ sở, các trường THPT, TCCN, cao đẳng, đại học được phổ biến hình thức đào tạo trực tuyến qua internet và E-learning. Hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi của tỉnh dành cho TN thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các dự án khởi sự DN, dự kiến tổng nguồn vốn vay hỗ trợ là 50 tỷ đồng (2012-2015). Bên cạnh đó các hình thức tuyên dương, khen thưởng kịp thời những TN làm kinh tế giỏi cũng được xem trọng. Các nội dung đào tạo sẽ được biên tập phù hợp với nhu cầu thực tế, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó chú trọng các dự án ngành nghề truyền thống và các dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Năm qua, Tỉnh đoàn cũng đã có một vài chương trình phối hợp với Sở Công Thương tổ chức trang bị kiến thức khởi sự DN cho TN mặc dù vẫn còn những sự hạn chế nhất định nhưng sẽ là kinh nghiệm tốt để Bình Dương triển khai hiệu quả nội dung “Tư vấn, hỗ trợ TN khởi sự DN và lập nghiệp” trong thời gian tới đây. Sự ra đời và đi vào thực tiễn của Đề án 103 giúp cho nhiều bạn trẻ biến ước mơ thành hiện thực. Số lượng DN trẻ chắc chắn sẽ được bổ sung và góp phần quan trọng cho sự phát triển năng động và sáng tạo của tỉnh nhà.
NGỌC TRINH