Không để người lao động chịu thiệt thòi khi tăng giờ làm

Cập nhật: 02-04-2022 | 08:33:27

Thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số giờ làm tăng thêm trong một năm, một tháng của người lao động (NLĐ) trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh cho biết đang bàn thảo về các chế độ tăng thêm cho NLĐ như tiền ăn, phụ cấp hay nâng mức thưởng tết, không để NLĐ chịu thiệt thòi.

DN quan tâm NLĐ khi tăng giờ làm

Nhiều DN trên địa bàn cho rằng, hiện tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của DN. Tại Bình Dương, số lao động quay lại làm việc sau tết tại các khu, cụm công nghiệp vẫn chưa đầy đủ, số công nhân lao động bị ảnh hưởng trực tiếp dịch bệnh Covid-19 cũng không nhỏ, dẫn đến thiếu nhân lực sản xuất. Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tăng số giờ làm thêm từ 40 lên 60 giờ trong một tháng và không vượt quá 300 giờ trong một năm sẽ góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn hiện nay.

Nhiều DN đang tính toán để tăng phụ cấp cho NLĐ khi thực hiện tăng ca trên 40 giờ/tháng theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Gỗ Phong Phú (TX.Tân Uyên)

Ông Nguyễn Tài Đương, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Maruichi Sun Steel (TP.Dĩ An), cho rằng thời gian sau tết, dù cố gắng tuyển thêm lao động nhưng công ty vẫn chưa tuyển đủ người. Việc tăng giờ làm thêm phần nào đáp ứng được kế hoạch sản xuất, kinh doanh đề ra trong năm nay. “Những ngày gần đây, Công đoàn cơ sở công ty cùng lãnh đạo DN cũng họp bàn vấn đề này, phải thực hiện đúng quy định theo nghị quyết, quan tâm, chăm lo đến NLĐ. Đó là lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, mang thai; NLĐ khuyết tật nhẹ suy giảm sức lao động; lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... sẽ không áp dụng tăng giờ làm. Với nhóm lao động sức khỏe tốt và được sự đồng ý của NLĐ thì công ty mới cho làm thêm trên 40 giờ nhưng không vượt quá 60 giờ trong một tháng”, ông Đương nói.

Ông Đương cho biết thêm, những người làm thêm trên 40 giờ, công ty đang tính toán làm sao bảo đảm sức khỏe cho NLĐ, đó là thời gian tăng ca hợp lý trong tuần, chăm lo khẩu phần ăn để phục hồi sức khỏe. Khi đạt và vượt doanh thu trong quý, trong năm, nhưng lao động làm thêm giờ sẽ được tính toán tăng thêm phụ cấp ngoài giờ tăng ca, hay tăng thưởng tết. Nói chung, DN sẽ thực hiện theo các quy định mà nghị quyết đề ra và không để NLĐ chịu thiệt.

Năm 2021, dù ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên) vẫn chăm lo tốt cho NLĐ như tặng tivi, xe máy, tủ lạnh cho lao động đạt năng suất cao. Trung bình NLĐ được thưởng tết 3 tháng lương, tương ứng 30 triệu đồng/lao động. Đó là chưa tính đến các phụ cấp trong thời gian dịch bệnh. Bà Phan Thị Phương Linh, Giám đốc nhân sự công ty, cho biết: “Công ty luôn quan tâm đến giờ làm và chế độ của NLĐ. Nếu thực hiện theo nghị quyết tăng giờ làm, phải dựa trên sự chấp thuận của NLĐ. Bên cạnh đó, công ty tuân thủ thực hiện chế độ nghỉ phép tháng, phép năm để công nhân được nghỉ ngơi, đi du lịch, vui chơi, tái tạo sức lao động; khi tăng giờ làm thêm, phải sắp xếp thời gian hợp lý trong tháng. Công ty phải tính đến chế độ ăn, uống trong giờ làm thêm cũng như các khoản phụ cấp, thưởng tết cuối năm nay”.

Cần tính tiền tăng ca lũy tiến cho NLĐ

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Thiện, Giám đốc Công ty Tư vấn Luật Bình Dương - Group, cho rằng hiện có rất nhiều DN chăm lo tốt đời sống NLĐ. Khi thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tăng số giờ làm thêm trong năm 2022, những DN này tiếp tục quan tâm, chăm lo về khẩu phần ăn, phụ cấp, cũng như điều tiết giờ làm hợp lý, bảo đảm sức khỏe cho NLĐ. Tuy nhiên, không loại trừ việc khi thực hiện tăng giờ làm thêm trong tháng, có thể tạo kẽ hở để một số DN ép công nhân làm việc quá giờ quy định. Hiện nay, quy định thanh, kiểm tra khá lỏng lẻo, một năm các nhà máy chỉ bị kiểm tra một, hai lần, không có gì bảo đảm tháng này làm thêm vài chục giờ, tháng sau sẽ giảm để tuân thủ đúng quy định.

Ông Nguyễn Thế Thiện cho biết thêm, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đề cập tới cách tính lương làm thêm, chỉ nêu “trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho NLĐ có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động”. Hiện theo quy định, lao động làm thêm các ngày trong tuần nhận ít nhất 150% mức lương bình thường; 200% vào ngày nghỉ hàng tuần và 300% vào các ngày lễ, tết. Giữ nguyên như hiện nay là thiệt thòi cho lao động.

Ông Thiện cho rằng, tổ chức công đoàn phải có những đề xuất với DN khi nới giờ làm thêm, thì phải tính tiền tăng ca lũy tiến cho NLĐ. Ví dụ như làm thêm từ 201 - 250 giờ, tiền lương phải nâng lên 200% trong ngày làm việc bình thường. Lương tăng lên 300% nếu làm thêm từ 251 - 300 giờ; tiếp tục lũy tiến lên mức 400 - 500% nếu lao động làm thêm ngày cuối tuần và dịp lễ, tết...

 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời giờ làm thêm trong một tháng và trong một năm của NLĐ nêu rõ, nếu khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của N LĐ thì làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong một tháng.

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=693
Quay lên trên