Luật pháp bảo hộ tuyệt đối quyền nhân thân của mỗi cá nhân công dân, không ai có quyền xâm hại vì đây là một trong các quyền cơ bản của con người. Bất kỳ ai xúc phạm đến danh dự nhân phẩm con người dù với bất kỳ lý do nào cũng là hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm, nhằm bảo đảm kỷ cương pháp luật. Theo điều 121 Bộ luật Hình sự khoản 1 quy định rõ: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các tình tiết tăng nặng hơn có thể bị phạt tù từ 1 - 3 năm.
Sự việc đáng tiếc đã xảy ra, người phạm pháp đã bị bắt chờ thủ tục điều tra, xét xử; song dư luận vẫn còn râm ran bàn tán, bày tỏ sự phẫn nộ trước cái ác, lên án sự dửng dưng vô cảm của những người vây quanh hiện trường chứng kiến mà không ai có hành động tích cực nào để giúp đỡ người bị nạn, chặn tay kẻ hành hung. Nhẫn tâm hơn khi qua clip cho thấy có người còn chĩa máy vào nạn nhân mà quay cảnh chị bị xé quần áo, cô thế… đang kêu xin người qua đường cứu giúp! Sự vô cảm đến đỗi lạnh lùng với đồng loại quả là điều đáng ngại, đáng lo.
“Ớt nào là ớt chẳng cay…” xem ra thừa nhận trong tình cảm cũng có cái ghen; song cách ghen cũng cần có “văn hóa” nhất định, không nên ghen tuông vô cớ, ghen cuồng mờ cả lý trí dễ thường mang lại sự cố đau lòng. Hậu quả của ghen tuông là kết cục của những điều tệ hại mà người trong cuộc thể hiện rõ bế tắc, không tìm được giải pháp xử lý mà dẫn đến bi kịch. Tỉnh táo nhìn nhận sự việc khi đang ghen quả là điều khó; song tìm ra cách giải quyết có văn hóa, nhân bản hơn khi gặp chuyện sẽ tránh được tác hại khôn lường. Đặc biệt, không thể nhân danh “quyền được ghen” để ra tay hành xử bạo lực, côn đồ; xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác là phạm pháp, tất nhiên sẽ bị luật pháp xử lý nghiêm.
THANH NHÀN