Khủng hoảng Syria khơi mào chiến tranh giáo phái Trung Đông

Cập nhật: 10-12-2012 | 00:00:00

Cuộc khủng hoảng Syria đã làm sâu sắc hơn tình trạng chia rẽ và đối đầu tôn giáo giữa hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunni.

Cuộc khủng hoảng Syria kéo dài cũng như mối quan hệ căng thẳng giữa  nước này và Thổ Nhĩ Kì đang tác động không nhỏ đến cục diện khu vực Trung Đông. Theo đó, sự xung đột mới nảy sinh giữa hai nước vốn được coi là “láng giềng thân thiện” này có thể làm sâu sắc hơn những tư tưởng phe phái và sắc tộc đã tồn tại bấy lâu nay tại khu vực Trung Đông. Các vụ bạo loạn mới đây ở Lebanon là minh chứng rõ nhất.

 Các tay súng Hồi giáo Lebanon khiêng quan tài của 1 trong 4 nạn nhân trong vụ đụng độ sắc tộc ở miền Bắc Tripoli ngày 9-12  Chính phủ của Tổng thống Assad nhận được sự ủng hộ từ các nhóm bộ lạc Alawite - một nhánh của cộng đồng người Shiite, đang tăng cường mối quan hệ với Iran và chính phủ của người Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kì lại liên minh với một số nước quân chủ tại Trung Đông do người Sunni đứng đầu. Vì vậy, cuộc khủng hoảng Syria đã làm sâu sắc hơn tình trạng chia rẽ và đối đầu tôn giáo giữa hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunni tại Trung Đông.

Những tác động này được thể hiện rõ nhất trong các cuộc bạo loạn mới đây tại Lebanon. Cuộc khủng hoảng Syria đang gây nên tình trạng chia rẽ trong xã hội Lebanon do người Hồi giáo dòng Shiite ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria, còn người Hồi giáo dòng Sunni ủng hộ phe đối lập. Một quan chức an ninh Lebanon cho biết, đụng độ sắc tộc tại nước này liên quan tới tình hình Syria đã xảy ra ở thành phố miền Bắc Tripoli ngày 9-12 làm ít nhất 4 người thiệt mạng và 40 người bị thương. Những người Hồi giáo Sunni ở thành phố cảng này đã bắn súng máy và rocket vào những người Hồi giáo dòng Shiite. Quân đội Lebanon đã được triển khai để kiểm soát tình hình.

Alastair Crooke  - Cựu hòa giải vấn đề Trung Đông của Liên minh châu Âu nhận định, cuộc nội chiến Syria đang có nguy cơ làm gia tăng một cuộc chiến giáo phái tại các nước láng giềng: “Cuộc khủng hoảng tại Syria đang tác động không nhỏ đến những nước láng giềng. Thậm chí những nước láng giềng còn đối mặt với nhiều nguy cơ hơn cả chính Syria. Thực tế tại Lebanon có thể chứng minh được điều này. Những cuộc xung đột tại thành phố Tripoli cũng như tại thủ đô Beirut gần đây cho thấy, Lebanon đang phải đối mặt với nguy cơ lớn hơn cả trong cuộc chiến phe phái này”.

Cuộc khủng hoảng tại Syria cũng làm gia tăng sự phức tạp đối với vấn đề người Kurk trong khu vực. Hiện khoảng 3 triệu người Kurd đang sinh sống tại phía Bắc Syria và đều không hài lòng với cả chính phủ của Tổng thống Assad và lực lượng đối lập. Lo ngại về vấn đề quyền lợi của mình trong tương lai, người Kurd tại Syria đang hợp tác với những người anh em của mình tại phía bắc Iraq để thành lập một khối tự trị chống lại những người Arab.

Giáo sư Seyfettin Erol thuộc trường Đại học Gazi tại Thổ Nhĩ Kì cho rằng, việc người Kurd sẽ là một lực lượng lớn trong tương lai của Syria thì cả Thổ Nhĩ Kì và các nước Arab đều không mong muốn. Thổ Nhĩ Kì lo ngại rằng, Đảng công nhân người Kurd, đang lấy lại ảnh hưởng tại các thành phố và trị trấn phía bắc Syria, có thể là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với an ninh của nước này. Trong khi đó, mối quan hệ giữa người Kurd tại Syria và Iraq có thể làm phức tạp thêm bất đồng phe phái tồn tại lâu nay tại đất nước Trung Đông này.

Có một khả năng rằng cuộc xung đột Syria có thể biến thành một cuộc xung đột giáo phái giữa người Hồi giáo dòng Sunni và dòng Shiite cũng như người Kurd toàn khu vực. Nếu điều đó xảy ra, cuộc chiến này sẽ gây mất ổn định toàn bộ Trung Đông và ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh và hòa bình thế giới.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên