Kinh tế quý I: Tiếp tục hồi phục và duy trì tăng trưởng

Cập nhật: 28-03-2013 | 00:00:00

Với các giải pháp từ vĩ mô thông qua Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn trong sản xuất, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu và sự điều hành quyết liệt, linh hoạt từ UBND tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của Bình Dương trong 3 tháng đầu năm tiếp tục được hồi phục, duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển ổn định. Những kết quả tích cực trong 3 tháng đầu năm sẽ tạo đà cho kinh tế - xã hội của địa phương giữ nhịp tăng trưởng ổn định trong thời gian tới…

 Tín hiệu lạc quan  

Theo báo cáo từ UBND tỉnh, trong 3 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định trong tình hình khó khăn, ước đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Một điểm nhấn trong bức tranh kinh tế đầu năm là tình hình xuất nhập khẩu tăng trưởng khá do tỷ giá ổn định, các thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang phục hồi, hầu hết các DN đã có hợp đồng xuất khẩu đến hết quý II và quý III năm 2013. Các ngành xuất khẩu chủ lực như gỗ, dệt may, giày dép, cao su đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Xuất siêu tiếp tục được duy trì khi tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,828 tỷ USD, tăng 15,7% và kim ngạch nhập khẩu đạt 2,391 tỷ USD, tăng 15,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt 19.325 tỷ đồng, tăng 18,3%. Chỉ số giá tiêu dùng đã được kiềm chế, chỉ tăng 1,77% so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định…  

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương

Nhờ tình hình sản xuất, xuất khẩu duy trì tăng trưởng cùng với các biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi nên tình hình thu chi ngân sách địa phương cũng theo đó có những tín hiệu tích cực. Tổng thu ngân sách Nhà nước thực hiện khoảng 6.000 tỷ đồng, đạt 21,1% dự toán Bộ Tài chính giao và 20,7% dự toán của HĐND tỉnh, tăng 7% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 4.200 tỷ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu đạt 1.800 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách Nhà nước thực hiện khoảng 3.500 tỷ đồng, đạt 39,8% dự toán Bộ Tài chính giao; đạt 35% dự toán HĐND, tăng 23% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, trên lĩnh vực tín dụng, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 79.500 tỷ đồng, tăng gần 8,5% so với đầu năm và tăng 27,5% so với cùng kỳ…  

Công nhân một công ty FDI lắp ráp kính chiếu hậu xe hơi

Một tín hiệu đáng mừng nữa của bức tranh kinh tế 3 tháng đầu năm, đó là tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo báo cáo từ UBND tỉnh, tính đến hết quý I, Bình Dương đã thu hút thêm gần 700 triệu USD vốn FDI với 39 dự án đăng ký mới và 45 dự án tăng vốn đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 2.145 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 17,930 tỷ USD. Song song đó, trên lĩnh vực thu hút đầu tư trong nước cũng đã có 325 DN đăng ký kinh doanh mới, 94 DN điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký trên 2.900 tỷ đồng…

Khó khăn vẫn còn

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho rằng, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có một sự đánh giá cụ thể, chính xác tình hình, qua đó đề ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong thẩm quyền. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Mai Hùng Dũng, mặc dù trong quý I có 419 DN đăng ký kinh doanh mới và tăng vốn nhưng theo thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trung bình một ngày có 2 - 3 DN đóng mã số thuế; số lượng DN bị tòa án gửi sang để truy tìm do bị khởi kiện cũng khá nhiều. “Trong quý I có 60 DN đăng ký giải thể, 35 DN tạm ngưng sản xuất và 50 DN bỏ trốn… Như vậy, tuy có 300 DN được “khai sinh”, nhưng cũng có 145 DN bị “khai tử”…”, ông Dũng cho biết. Cũng theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù những DN bị “xóa sổ” này là các DN nhỏ và vừa nhưng con số trên cho thấy tình hình hoạt động của các DN vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Hảo cũng khuyến cáo những khó khăn về khả năng thu ngân sách Nhà nước. Ông Hảo cho rằng, tính đến hết quý I tổng thu ngân sách Nhà nước của tỉnh đạt gần 21% vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. “Quý I năm 2012 chúng ta thực hiện thu ngân sách đạt 23% nhưng kế hoạch cả năm vẫn không đạt. Trong khi đó, quý I năm 2013 chúng ta chỉ thu đạt 21% kế hoạch. Do vậy, không thể chủ quan với vấn đề thu ngân sách”, ông Hảo nói. Ngoài ra, lãi suất ngân hàng tuy đã hạ nhưng vẫn còn ở mức cao, tăng trưởng dư nợ còn thấp so với vốn huy động, nợ xấu còn ở mức cao… cũng là những khó khăn, thách thức mà công tác điều hành trong thời gian tới cần tiếp tục phải tập trung xử lý linh hoạt để bảo đảm cho kinh tế- xã hội địa phương tiếp tục phát triển ổn định.

TĂNG TRƯỞNG DƯ NỢ CÒN THẤP

Trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt mức 3,62%. Nếu so với tổng mức huy động vốn của toàn hệ thống tại địa phương thì mức tăng trưởng dư nợ tín dụng này vẫn còn thấp. Cụ thể, tổng vốn huy động toàn hệ thống đạt 79.500 tỷ đồng; trong đó tiền gửi từ các tổ chức kinh tế chiếm 39,18%, tiền gửi từ dân cư chiếm 58,35%. Trong khi đó, dư nợ cho vay chỉ đạt 55.754 tỷ đồng; trong đó vốn ngắn hạn chiếm 67,72%, trung và dài hạn chiếm 32,28%. Tính riêng dư nợ cho vay đối với các DN nhỏ và vừa chỉ đạt 21,49%...

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên