Tại hội nghị về định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt hàng ngành gỗ với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 2 con số vào năm 2019 và phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Đây cũng là vấn đề mà lãnh đạo, ngành chức năng và doanh nghiệp (DN) gỗ tỉnh Bình Dương đặt nhiều kỳ vọng.
Sản xuất gỗ tại Công ty TNHH gỗ Tường Văn (huyện Bắc Tân Uyên). Ảnh: XUÂN THI
Thủ tướng “đặt hàng” cao hơn
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mức độ tăng trưởng bình quân của ngành gỗ cả nước trong 18 năm qua đạt 15%/năm, cao hơn 5 lần so với tăng trưởng ngành nông nghiệp. Đặc biệt, nước ta có trên 4.500 DN gỗ với hơn 350.000 lao động, tạo ra giá trị bình quân trên 23.000 USD/lao động. Trong 7 tháng năm 2018, giá trị xuất khẩu lâm sản chính tăng trên 14% so với cùng kỳ năm 2017. Ngành chế biến gỗ phát triển cũng kéo theo sự phát triển các dự án trồng rừng cung cấp nguyên liệu, góp phần ổn định đời sống cho người dân, hạn chế phá rừng tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, ngành gỗ phát triển thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ như máy móc, công cụ sản xuất, vật liệu kim khí, bao bì, chèn lót và giúp các ngành khác như vận tải, logistics, chế tạo vật liệu mới… cùng phát triển.
Phát biểu tại hội nghị về định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, biểu dương các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nhân, người lao động đã có nhiều đóng góp vào những thành tựu lớn của ngành chế biến gỗ và lâm sản cả nước. Tuy vậy, Thủ tướng cũng trăn trở khi nhiều mặt hàng nước ta hoàn toàn có thể sản xuất được, bảo đảm chất lượng nhưng vẫn phải nhập khẩu do không có thương hiệu để cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “đặt hàng” ngành gỗ kim ngạch xuất khẩu cao hơn so với mục tiêu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra. Cụ thể, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 9 tỷ USD, năm 2019 đạt 10 - 11 tỷ USD, năm 2020 đạt 12 - 13 tỷ USD và năm 2025 đạt 18 - 20 tỷ USD. Theo Thủ tướng, con số này không phải viễn vông mà là “tôi đã nghe ý kiến của các doanh nhân, các hiệp hội, các địa phương, tất cả đều có nguyện vọng phát triển như thế”. Thủ tướng nhấn mạnh, để đạt được những mục tiêu đó phải có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, lâm sản để phát huy lợi thế so sánh của Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, DN tập trung triển khai tốt Luật Lâm nghiệp 2017. Trong đó, điểm mới rất quan trọng là các bộ, ngành, địa phương phải coi ngành lâm nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển đến sử dụng rừng, chế biến và thương mại, xuất khẩu. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan; đồng thời với cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng hơn cho ngành chế biến gỗ và lâm sản phát triển. Cùng với đó, khuyến khích đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu; đưa giá trị sáng tạo vào các sản phẩm Việt, nâng cao giá trị gia tăng trong thời gian tới. Đối với ngành gỗ cần làm tốt công tác phát triển thị trường trong và ngoài nước, nghiên cứu, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia; đồng thời chú trọng thị trường trong nước với quy mô dân số và nhu cầu tiêu thụ lớn.
Thủ tướng lưu ý các cấp, các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, quảng bá để người dân và DN thay đổi nhận thức, tập quán sử dụng gỗ rừng tự nhiên, thực hiện tốt các cam kết quốc tế. Chính phủ cũng đề nghị các hiệp hội, cộng đồng DN, người sản xuất ngành chế biến gỗ, lâm sản cần chủ động hội nhập, thực hiện nghiêm quy định về sử dụng nguồn gỗ hợp pháp; tập trung nâng cao năng lực sản suất, đổi mới công nghệ, quản trị, tạo nhiều sản phẩm mới, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường…
Sau hội nghị này, Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị để ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam có điều kiện phát triển tốt hơn, bền vững hơn trong thời gian tới.
DN gỗ Bình Dương đặt nhiều kỳ vọng
Ngành chế biến gỗ là một trong những ngành nghề xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Dương; sản phẩm gỗ của các DN trong tỉnh có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Trong những năm qua, ngành chế biến gỗ luôn là một trong những ngành chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh và có tốc độ phát triển cao. Năm 2017, chế biến gỗ là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất tỉnh, đạt hơn 4 tỷ USD, chiếm 14,7% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh và chiếm 54,8% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ cả nước. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ trong tỉnh đạt gần 1,5 tỷ USD.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.215 DN chế biến gỗ, trong đó 905 DN trong nước. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của DN gỗ trong tỉnh hiện nay là Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thời gian gần đây, ngành chế biến gỗ của tỉnh còn phát triển các thị trường xuất khẩu mới như Trung Đông, Bắc Mỹ… Những năm qua, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các DN gỗ phát triển theo hướng bền vững. Cụ thể là hiện nay, trên địa bàn tỉnh, khu công nghiệp tập trung của ngành gỗ đang được xây dựng tại Cụm công nghiệp Tân Lập (huyện Bắc Tân Uyên). |
Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương về chỉ tiêu mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt hàng cho ngành gỗ năm 2019 và những năm tiếp theo, ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho rằng việc tăng trưởng lên hai con số trong những năm tiếp theo là hoàn toàn có cơ sở. Cùng quan điểm này, ông Trần Anh Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Liên Thanh (TX.Bến Cát), cho biết chỉ cần giữ vững thị trường hiện tại và khai thác tốt thị trường Mỹ thì mục tiêu này ngành gỗ có thể làm được. Tuy nhiên, muốn thâm nhập được thị trường Mỹ thì DN cần phải chuẩn bị tốt 4 yếu tố cơ bản: Công nghệ máy móc; nhân lực chất lượng cao, bao gồm nhân lực thiết kế và khả năng quản trị nhân lực DN; tạo được chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu hợp pháp và DN phải có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Ông Vũ bày tỏ mong muốn Chính phủ sẽ có chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia về ngành gỗ; đầu tư có quy mô cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia ở các hội chợ quốc tế lớn như High Point ở Mỹ, Cologne ở Đức… Còn tại Bình Dương sẽ sớm xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm quy mô lớn về ngành gỗ để DN có cơ hội giao thương với khách quốc tế, phát triển thương hiệu, thay vì làm gia công như hiện nay. Lãnh đạo nhiều DN trong tỉnh cũng kỳ vọng việc xây dựng hình ảnh Bình Dương trở thành thủ phủ của ngành gỗ tại Việt Nam mang tầm khu vực sớm trở thành hiện thực. Để đạt được mục tiêu này, theo các DN, trước mắt trong các chương trình xúc tiến thương mại và hỗ trợ DN của địa phương trong thời gian tới cần được tổ chức có quy mô lớn hơn, tập trung hơn nhằm giúp DN khai thác được hiệu quả từ chương trình này.
Ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, cho biết trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình, sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng chương trình xúc tiến thương mại và khuyến công theo hướng có trọng tâm, trọng điểm hơn, giúp DN đẩy mạnh giao thương với khách hàng quốc tế, đổi mới công nghệ, đổi mới công tác quản trị DN… để đáp ứng nhu cầu của DN và nâng cao hiệu quả của các chương trình hỗ trợ từ nguồn ngân sách trong thời kỳ hội nhập.
Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về chế biến gỗ, lâm sản
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đã vươn lên đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Đến nay, sản phẩm gỗ và lâm sản Việt Nam đã có mặt ở trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngành chế biến gỗ và lâm sản là ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực và là một trong số ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao của Việt Nam (giá trị xuất siêu năm 2017 đạt 73%). Năm 2017, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của cả nước đạt trên 8 tỷ USD, tăng 8 lần so với năm 2005; 7 tháng năm 2018 xuất khẩu đạt kim ngạch 5,3 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017.
P .V
TIỂU MY