Làm báo “làng”, có phận không danh!

Cập nhật: 18-06-2013 | 00:00:00

Bài 1: Lắm gian nan!

Dãi dầu mưa nắng, bất chấp những cản trở khó khăn của không gian, thời gian, người làm báo “làng” sẵn sàng đương đầu với những cay nghiệt, đem đến cho khán, thính giả và độc giả những “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong mọi ngõ ngách của cuộc sống. Không chỉ có vậy, họ còn biết cụ thể hóa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thành những “món dễ ăn”, dễ đi vào lòng người. Vẫn làm công việc của một nhà báo thực thụ, nhưng để có được “tấm thẻ nhà báo” thì những người làm báo ở huyện, xã hiện vẫn chưa có được...

“Tác chiến” mọi lúc, mọi nơi

Đã 15 năm rồi, ngày nào cũng vậy, trên chiếc xe máy thân quen của mình, phóng viên Hữu Liêm, Đài Truyền thanh huyện Bến Cát tay xách, nách mang “vũ khí” của người làm báo nào là camera, máy ảnh xuôi ngược khắp các xã, thị trấn trong huyện. Ở đâu có hội nghị, ở đâu có “vấn đề” là anh có mặt. Đối với một phóng viên kỳ cựu của báo tỉnh mỗi ngày 1 bài, 1 tin là thấy “đuối”, còn Liêm có ngày phải chạy 3 tin, thậm chí 4 tin, rồi thêm một chuyên đề phải dàn dựng xong trước 6 giờ mỗi ngày. Liêm tâm sự: “Đang tác nghiệp chỗ này, sếp điện thoại là phải thu xếp vọt đến nơi khác cho kịp nếu không thì “hỏng” sự kiện. Ngày 15-6 vừa qua, đang tác nghiệp sự kiện Huyện đoàn Bến Cát ra quân Mùa hè tình nguyện tại Khu công nghiệp Mỹ Phước II, tôi được sếp ra lệnh nhanh chóng đến nhà hàng Đại Hoàng Cung, Khu công nghiệp Mỹ phước 1 và phải tranh thủ nắm nội dung cuộc họp của Bảo hiểm xã hội huyện, sau đó quay về Văn phòng UBND huyện làm tiếp nội dung cuộc họp của Liên đoàn Lao động huyện. Quen rồi, ngày nào không chạy, ăn cơm không ngon, nếu không loay hoay ở huyện thì về cơ sở. Phóng viên huyện là vậy đó”.  

Phóng viên làm báo “làng” hiện phải làm một lúc nhiều việc: quay phim, viết tin, dựng phim...

Trưởng Đài Truyền thanh huyện Bến Cát Phan Diễm Thúy cho biết, do lực lượng phóng viên đài không nhiều, thời lượng thì dài nên các phóng viên đài phải “chạy” bảo đảm đầy đủ thông tin, đủ thời lượng chương trình thời sự phát trong ngày. Không chỉ nắm bắt thông tin, đúng 15 giờ chiều các phóng viên phải về đổ hình ra dựng lại vừa phục vụ phát cho đài huyện vừa cung cấp cho Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, nếu có tin hay thì cung cấp cho cả Báo Bình Dương, thậm chí là cho các báo bạn.

Quả thật, trong làng báo chí tỉnh nhà, các “nhà báo huyện” Hoài Phương, Hoàng Mừng, Hữu Liêm, Hoàng Tiến… cũng không còn xa lạ với bạn đọc. Một thời gian khá dài họ ít nhiều đem đến những thông tin mới, nóng thể hiện hơi thở cuộc sống ở những vùng sâu xa nhất của tỉnh nhà phục vụ nhu cầu “thượng đế” của báo chí.

Cách trở của không gian xa xôi như Minh Hòa (Dầu Tiếng), Tam Lập, An Bình (Phú Giáo)… đôi khi làm cho những nhà báo thực thụ phải e dè tiếp cận thực tế, còn với nhà báo “làng” thì mọi nẻo, dù mưa to gió lớn họ đều quen lối cho kịp thời gian phát sóng phục vụ người dân.

Nhiệm vụ kép

Không chỉ là phóng viên, nhiệm vụ trưởng đài và người làm chương trình vừa truyền tải cho được những tin tức thời sự huyện nhà, vừa bảo đảm thông tin, chương trình trên hệ thống truyền thanh mang lại nhiều lợi ích thiết thực, phục vụ nhu cầu thông tin cho bà con. Đây là một trọng trách không hề nhỏ với những người công tác tại các đài truyền thanh huyện và truyền thanh cơ sở.

Trưởng Đài Truyền thanh huyện Bến Cát Phan Diễm Thúy cho biết, 5 giờ sáng đài phải tiếp âm phát các chương trình phát thanh của Trung ương, tỉnh và huyện. Người làm công tác đài huyện phải làm cho được công việc tổng hợp, điểm tin về tình hình của các xã, thị trấn, chuyển nội dung các văn bản pháp luật, chủ trương, đường lối, thông báo của huyện, tỉnh về tận các tổ, ấp bằng tất cả các thể loại: Tin tức, chuyên đề tiểu phẩm, phóng sự, người tốt... Tất cả được thực hiện đều đặn vào hai buổi sáng tối mỗi ngày.

Quả thật, người dân trong tỉnh từ lâu đã quen với chuyện làm giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, chuyện môi trường, chuyện xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Khi nhà này nhiệt tình hiến đất làm đường, khi đơn vị nọ đi đầu trong học tập và làm theo gương Bác... Những cái hay, cái đẹp, cho đến những chính sách pháp luật được họ “sản xuất”, “chế biến” thành những câu chuyện gần gũi, sát thực, dễ thấy, dễ cảm nhận nhất qua mỗi chương trình phát thanh.

Những bản tin ngắn gọn, rạch ròi về cơ chế, chính sách đầu tư của Nhà nước, cũng như công khai các khoản đóng góp của nhân dân là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn hiện nay. Hàng ngày, những cán bộ làm công tác truyền thanh cơ sở phải xây dựng được chương trình, kế hoạch, thời gian, phải làm phong phú bản tin bằng việc nêu lên những vấn đề mới phát sinh để tranh thủ ý kiến của nhân dân. Đó là cách làm phát huy trí tuệ tập thể và quyền làm chủ của nhân dân. Đài truyền thanh và truyền thanh cơ sở chính là nhịp cầu, là phương tiện thực hiện tốt nhất chức năng phản hồi của báo chí một cách công khai và liên tục nhất.

Để đáp ứng tốt cho các nhiệm vụ đó, thời gian qua, các đài huyện, thị, thành phố trong tỉnh không ngừng đào tạo và họ đang có một đội ngũ làm báo, nhất là phóng viên hết sức “chuyên nghiệp”. Cụ thể như ở Đài Truyền thanh huyện Dầu Tiếng, hiện 4/4 phóng viên của đài có trình độ đại học, trong đó có 2 tốt nghiệp ngành ngữ văn, 1 cử nhân khoa học xã hội nhân văn, 1 cử nhân công nghệ thông tin. Còn tại Bến Cát, hiện có 3/5 phóng viên có trình độ đại học, 2 còn lại đang theo học cử nhân báo chí. Điều này cho thấy, những người làm báo ở huyện đang đi vào chuyên nghiệp một cách nghiêm túc.

Có thể thấy rõ nhất từ thực tế là phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh thời gian qua, đài truyền thanh và truyền thanh cơ sở càng khẳng định tính ưu việt của mình so với các công cụ truyền thông khác tại các vùng nông thôn. Bắt đầu từ những chiếc loa công cộng, nó chỉ cho mọi người thấy được trách nhiệm của mình qua mỗi công việc, khơi dậy sức mạnh nội tại sẵn có trong từng gia đình, tạo ra mối liên hệ trực tiếp, mật thiết với người dân, là phương tiện truyền thông hữu ích trong nhiều lĩnh vực hoạt động. Làm thế nào để nói dân nghe, dân hiểu, nhìn nhận được tính nhân văn sâu sắc của phong trào và đồng tình với quan điểm chính họ là chủ thể của xây dựng nông thôn mới... thì truyền thanh chính là công cụ hoạt động không bao giờ biết mệt mỏi.

Kỳ tới: Vui buồn nghề “truyền thanh xã”

 

 HÒA NHÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=234
Quay lên trên