Làm gì để khai thác tiềm năng du lịch Bình Dương?

Cập nhật: 27-05-2013 | 00:00:00

Bài 1: Khai thác du lịch sinh thái và sông nước…

Bình Dương là địa phương có tiềm năng du lịch (DL) tương đối đa dạng với hệ thống vườn cây ăn trái Lái Thiêu đã có thương hiệu trên thị trường hàng trăm năm qua, có các con sông Đồng Nai, Sài Gòn chảy qua với những cù lao nổi trên sông… Ngoài ra, Bình Dương còn có những làng nghề đã nổi tiếng ở vùng Đông Nam bộ và cả nước, những di tích lịch sử - văn hóa độc đáo… là điều kiện thuận lợi để hình thành các loại hình sản phẩm DL dịch vụ hướng đến khai thác thị trường DL đầy tiềm năng, nhất là DL sinh thái và sông nước.  

Hồ Đá Bàn (xã Đất Cuốc, huyện Tân Uyên) - một trong những địa điểm có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và sông nước

Tiềm năng lớn, khai thác còn hạn chế

Bình Dương nằm trong lưu vực của 3 con sông lớn ở khu vực Đông Nam bộ là sông Sài Gòn, Đồng Nai và sông Bé, trong đó, sông Sài Gòn là ranh giới tự nhiên giữa Bình Dương và Tây Ninh, TP.HCM. Khu vực ven sông có những cảnh quan rất đẹp, đất đai bằng phẳng, mặt nước rộng lớn cùng những khu vườn xanh tươi… là điều kiện lý tưởng để Bình Dương phát triển các khu nghỉ dưỡng cuối tuần ven sông, những khu DL sinh thái vườn và các tour DL sông nước. Sông Đồng Nai đoạn qua tỉnh Bình Dương cũng là một tuyến sông lớn, ven bờ tạo thành những cù lao như Cù lao Bạch Đằng, Cù lao Rùa, các bãi bồi ven sông… có khả năng khai thác phát triển các tuyến DL, các sản phẩm DL sông nước. Riêng sông Bé với cảnh quan sông nước, rừng núi và khí hậu trong lành có khả năng phát triển các khu nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần và các tour DL mạo hiểm trên sông…

Ngoài các hệ thống sông lớn trên địa bàn, tỉnh còn có một số hồ nước lớn như hồ Dầu Tiếng, Cần Nôm, Đá Bàn, Bình An… có khả năng phát triển DL nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao cao cấp.

Hiện nay, hệ thống các cơ sở kinh doanh DL của tỉnh chỉ bao gồm các loại hình chính là các đơn vị kinh doanh lữ hành có quy mô hoạt động vừa và nhỏ, doanh thu thấp, chủ yếu là các tour DL phục vụ dân cư nội tỉnh… do đó hiệu quả kinh doanh chưa cao; các đơn vị kinh doanh cơ sở lưu trú, chủ yếu ở khu vực TP.TDM, TX.Thuận An và Dĩ An; các đơn vị kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí (quy mô nhỏ, tập trung ở các khu vực đô thị hóa mạnh (hiện nay tỉnh chỉ có một cơ sở kinh doanh dịch vụ với quy mô lớn là Khu DL Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến); các cơ sở kinh doanh DL nghỉ dưỡng (chủ yếu dưới hình thức đầu tư các khu nghỉ dưỡng mô hình nhỏ, trong đó có một số khu đã thu hút khá đông khách như Khu nghỉ dưỡng Phương Nam, Làng DL Sài Gòn, Khu DL Xanh Dìn Ký, Khu nghỉ dưỡng Mắt Xanh; một số khu DL khác đang trong quá trình đầu tư như Khu DL Hàn Tam Đẳng, Khu DL nghỉ dưỡng Phước Lộc Thọ…).

Hiện nay, DL vui chơi giải trí ở Bình Dương tập trung vào các khu công viên vui chơi giải trí theo mô hình công viên chuyên đề (Theme Park) trong đó Khu DL Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến được đánh giá là một khu công viên chuyên đề lớn nhất Việt Nam. Riêng DL sinh thái của tỉnh hiện nay chủ yếu được tổ chức theo các hình thức chính là DL sinh thái vườn (được phát triển từ thương hiệu vườn trái cây Lái Thiêu nổi tiếng); DL sinh thái kết hợp dịch vụ (phát triển theo mô hình các điểm DL nhỏ, chủ yếu khai thác khách DL cuối tuần với các dịch vụ chính như bơi lội, ẩm thực, các trò vui chơi giải trí cho trẻ em); DL sinh thái gắn với tiềm năng DL sinh thái rừng núi (phát triển một cách tự phát ở các khu vực có cảnh quan đẹp như hồ Than Thở, hồ Dầu Tiếng, núi Cậu…); DL thể thao cao cấp (phát triển dưới hình thức các sân golf); DL nghỉ dưỡng (như Khu DL nghỉ dưỡng Phương Nam, Dìn Ký, Mắt Xanh).

Cần đầu tư phát triển đúng hướng

Những năm qua, DL sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng ở Bình Dương tuy có phát triển và đạt được một số kết quả nhất định, nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như DL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của vùng, chất lượng sản phẩm DL chưa cao, còn đơn điệu, khả năng cạnh tranh thấp, DL sinh thái - nghỉ dưỡng mới chỉ mang tính thuần túy, các lĩnh vực cơ bản như sinh thái kết hợp với nghỉ mát, thư giãn, nghỉ dưỡng có chất lượng, chăm sóc sức khỏe thực sự chưa phát triển… nên chưa khai thác hiệu quả tài nguyên, chưa thu hút được du khách.

Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh DL trên địa bàn chưa có các sản phẩm DL mang đẳng cấp quốc tế có thể tạo thành động lực nâng tầm cho DL Bình Dương. Mô hình tổ chức kinh doanh DL chỉ mới phổ biến là các Khu DL dịch vụ với quy mô nhỏ, phục vụ khách DL cuối tuần với sản phẩm chủ yếu là dịch vụ ăn uống, bơi lội, vui chơi giải trí. Trong khi đó, theo nhiều du khách đã đến Bình Dương, để có thể thu hút khách DL đến với các tour DL sinh thái và sông nước, các đơn vị kinh doanh DL của tỉnh cần đa dạng hóa các hình thức vui chơi giải trí và nhất là quan tâm đến vấn đề bảo đảm an toàn cho du khách như trang bị đầy đủ áo phao, người điều khiển phương tiện phải có bằng cấp, phương tiện phải bảo đảm chất lượng và phải được kiểm định đúng định kỳ.  

Nếu kết hợp được du lịch sinh thái với du lịch làng nghề sẽ là một thế mạnh của du lịch Bình Dương. Trong ảnh: Đoàn Fatrip do Sở VH,TT&DL tỉnh tổ chức tham quan một cơ sở sản xuất gốm thủ công

Thực tế cho thấy, Bình Dương có đủ điều kiện để phát triển các khu DL sinh thái và sông nước vì con người ngày càng muốn hướng về thiên nhiên hơn, có thể Nhà nước đầu tư xây dựng toàn bộ hoặc mời gọi các đơn vị, cá nhân, tập thể tham gia đầu tư xây dựng các khu DL này theo hướng xã hội hóa… Để khai thác tiềm năng DL nhờ vào vị trí địa lý và sự ưu đãi của thiên nhiên, trong thời gian tới, các địa phương và các đơn vị kinh doanh ngành dịch vụ DL của tỉnh cần có kế hoạch phát triển các sản phẩm DL đặc thù, đặc biệt là các sản phẩm DL sinh thái và sông nước.

Theo đó, có thể phát triển DL sông nước theo các tuyến sông Đồng Nai, Sài Gòn để hình thành các sản phẩm DL hấp dẫn du khách như các tour DL khám phá văn hóa và đời sống dân cư trên sông, các khu DL sinh thái ven sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, du thuyền trên sông nước ngắm cảnh và nghe đờn ca tài tử; DL mạo hiểm sông nước như tour đi thuyền thám hiểm ghềnh đá, đua thuyền vượt thác ở sông Bé… Đối với khu vực núi Cậu, lòng hồ Dầu Tiếng, một trong những danh thắng của Bình Dương có nhiều phong cảnh đẹp, nên thơ có thể khai thác tiềm năng về khí hậu, cảnh quan theo mô hình các khu DL nghỉ dưỡng cao cấp, các khách sạn nghỉ dưỡng ven sông, trung tâm điều trị và điều dưỡng bệnh cao cấp, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe…

Riêng Cù lao Bạch Đằng, từ trước đến nay được biết đến là một cù lao xanh, được bao bọc bởi những vườn cây trĩu quả, đặc biệt là cây bưởi với hương vị ngọt ngào, đậm đà đã làm nên thương hiệu bưởi Bạch Đằng nhiều năm qua, là địa điểm thích hợp, đủ điều kiện để phát triển từ DL sinh thái, DL sông nước, đến DL miệt vườn và loại hình DL nghỉ dưỡng, DL MICE (DL kết hợp tham dự hội nghị, hội thảo, triển lãm và tổ chức sự kiện…

- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch LÊ PHAN THUẦN: Là một tỉnh có tiềm năng DL hấp dẫn và phong phú với DL tự nhiên và DL nhân văn, nhưng nếu so với số lượng du khách đến với Bình Dương trong những năm qua là chưa thật sự xứng tầm. Thời gian qua, ngành DL Bình Dương đã có nhiều cố gắng trong việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu cùng nhiều kênh thông tin khác nhau để cung cấp một cách đầy đủ nhất, chính xác và kịp thời nhất những nhu cầu của du khách về các điểm DL trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, thông qua các đợt farmtrip, ngành cũng đã tạo điều kiện để các công ty DL lữ hành và các làng nghề, vườn cây trái, khu DL có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu và kết hợp với nhau để tạo ra các sản phẩm DL chất lượng phục vụ du khách… Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình quảng bá, xúc tiến DL để giới thiệu DL Bình Dương đến với du khách gần xa mà trọng tâm thực hiện trong thời điểm này chính là công tác tổ chức Lễ hội “Lái Thiêu - Mùa trái chín” năm 2013…

- Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Dầu Tiếng TRẦN TỐNG ĐỊNH: Dầu Tiếng có nhiều tiềm năng để phát triển DL, đặc biệt là DL sinh thái. Hiện huyện đang kêu gọi các nhà đầu tư vào các điểm DL như Núi Cậu, các điểm ven sông Sài Gòn và hồ Cần Nôm. Nếu tổ chức khai thác tốt các tiềm năng DL này, chắc chắn Dầu Tiếng sẽ thu hút được rất nhiều du khách đến tham quan. Hiện tại, UBND huyện cũng đang phối hợp với Sở Tài chính cùng một số ban, ngành có liên quan định giá để mua lại các hạng mục của KDL hồ Dầu Tiếng từ Công ty Cổ phần Thương mại Du lịch Bình Dương, sau đó sẽ tiếp tục đầu tư và khai thác có hiệu quả tiềm năng của KDL này…

 

Bài 2: Hồi sinh vườn cây ăn trái Lái Thiêu

BÌNH MINH - THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên