Làng nghề bánh tráng Phú An: Nhiều người bỏ nghề vì thu nhập thấp!

Cập nhật: 30-11-2012 | 00:00:00

Từ bao đời nay người dân Phú An, huyện Bến Cát vẫn luôn tự hào với nghề làm bánh tráng, bởi sản phẩm bánh tráng Phú An nổi danh cả trong và ngoài nước. Người dân Phú An một thời khá lên nhờ bánh tráng và bánh tráng Phú An không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn “lên tàu” xuất ngoại. Những năm gần đây, nhiều người tại làng nghề này đang dần quay lưng với nghề. Nguyên nhân chỉ vì thu nhập từ nghề làm bánh tráng quá thấp!

 Nhiều người quay lưng với nghề!

Giờ đây về Phú An, đi khắp các đường làng, ngõ xóm khó tìm được một lò bánh tráng truyền thống và hình ảnh những tấm liếp bánh quen thuộc phơi trắng trước sân nhà cũng không còn! Làng nghề bánh tráng Phú An đang đứng trước nguy cơ bị thất truyền vì người theo nghề không còn nhiều như trước. Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú An, không giấu được sự tiếc nuối: “Ngày mới giải phóng Phú An đã nổi tiếng với nghề làm bánh tráng. Dân trong xã nhà nào cũng trồng mì để lấy bột làm bánh. Nghề làm bánh tráng đem lại nguồn thu nhập chính cho các hộ gia đình ngày đó. 70% số hộ dân trong xã sống bằng nghề làm bánh tráng. Còn hiện nay, toàn xã có gần 2.000 hộ nhưng chỉ còn 15 - 20 hộ là còn theo nghề. Trong số 15 - 20 hộ còn theo nghề thì chỉ có chừng 5 - 6 hộ làm thường xuyên, số còn lại chỉ làm cho có để đỡ nhớ nghề hoặc làm vào các dịp lễ tết, chủ yếu để phục vụ cho anh em họ hàng ăn tết là chính”.  

 Sân phơi bánh tráng của gia đình anh Răng, cơ sở sản xuất bánh tráng quy mô nhất của làng nghề bánh tráng Phú An hiện nay

Đề cập thêm về vấn đề quan tâm của lãnh đạo địa phương đối với làng nghề, ông Hòa cho hay trước năm 2003, xã rất quan tâm và lo lắng cho sự tồn vong của làng nghề, UBND xã đã kiến nghị lên cấp trên. Sau đó, Hội Nông dân tỉnh đã đầu tư giúp nông dân vay vốn. Sau 3 năm thực hiện kế hoạch khôi phục làng nghề không hiệu quả, tỉnh rút vốn về, người theo nghề thì bỏ nghề để làm việc khác. “Chứng kiến nghề truyền thống của quê hương đang dần mai một chúng tôi không khỏi chạnh lòng, nhưng lực bất tòng tâm! Hiện chúng tôi cũng chưa tìm ra hướng nào để khôi phục lại làng nghề, bởi ngoài vốn đầu tư, sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ…”, ông Hòa nói.

Từ sự mách bảo của ông Hòa, chúng tôi quyết tìm hiểu rõ hơn thực trạng hiện nay của làng nghề. Cách trục đường chính của xã Phú An khoảng hơn 1km theo con đường nhựa, chúng tôi tìm đến nhà bà Lê Thị Hời, 80 tuổi, ở ấp Bến Giảng, một gia đình có mấy đời làm bánh tráng. Chia sẻ với chúng tôi, bà Hời không khỏi trầm ngâm khi nói về đặc sản bánh tráng của làng: “Bánh tráng Phú An vốn nổi tiếng bởi có hương vị thơm ngon và độ trong dẻo, để cả tháng vẫn thơm mà không ngả màu, không gãy vụn…”.

Bà Hời cho biết, hồi đó ngày nào bà cũng thức dậy từ lúc 2 giờ sáng để làm bột, tráng bánh. Mỗi ngày, chỉ riêng các mối ruột tại chợ Bình Dương đã tiêu thụ được 500 - 700 chiếc bánh của gia đình bà. Nhờ nghề tráng bánh mà gia đình bà có của ăn của để. Trả lời câu hỏi vì sao gia đình bà không còn làm bánh tráng như xưa, bà Hời cho hay không riêng bà mà cả những người lớn tuổi như bà đều không thể theo nghề mãi, bởi đây là một nghề đòi hỏi phải thức khuya dậy sớm, làm việc cực nhọc. Đến như gia đình bà Hời vốn có truyền thống làm bánh lâu đời nhất mà con cháu chẳng ai chịu theo nghề. “Tụi nó chê cực không mần, huống chi công việc này còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Hôm nào mưa là phải nghỉ, chưa kể có ngày mất cả vốn lẫn công mà không được cái bánh nào! Đã vậy đầu ra cho sản phẩm lại không ổn định, thu nhập bấp bênh, nên nhiều hộ bỏ bếp lạnh mà quay qua mần việc khác”, bà Hời nói.

Nói đoạn bà Hời đưa tay chỉ về nơi làm bánh tráng của gia đình bà. Chiếc chảo tráng bánh, cái nồi chứa bột để lăn lóc bên bếp lạnh, gáo dừa múc bột cùng mặt khuôn và cả chiếc cối xay bột ngày xưa cùng nằm chỏng chơ bên cạnh. Nhìn những hình ảnh này, những ai đã từng đến với làng nghề bánh tráng Phú An trước đây đều không khỏi chạnh lòng, tiếc nuối về cái thuở vàng son của làng nghề này.

Vẫn còn đó những người tâm huyết

Vì thu nhập thấp, nhiều người trong làng đang quay lưng, bỏ nghề làm bánh tráng, nhưng trong lòng mỗi người dân nơi đây vẫn còn hy vọng, vẫn còn niềm tin làng nghề bánh tráng sẽ được khôi phục, nhất là đối với những người bám nghề, muốn giữ lấy cái nghề truyền thống của quê hương. Chị Lê Ngọc Huệ, 43 tuổi, ở ấp Bến Giảng, một người theo nghề làm bánh tráng lâu năm tại đây cho biết: “Muốn làm được 1.000 bánh tôi phải thức dậy từ lúc 3 giờ sáng. Trước đây người làm bánh tự trồng mì lấy bột, còn nay muốn có bột thì phải đi mua. Đã vậy giá bột cứ tăng lên hàng ngày, trong khi đầu ra khó khăn, còn giá bánh thì không tăng”. Mặc dù làm bánh tráng chỉ là công việc làm thêm những lúc rảnh rỗi, nhưng chị Huệ cho biết “không thể bỏ nghề được”, bởi nó đã gắn bó quá sâu nặng với gia đình chị. Chị vẫn luôn mong sẽ lại được thấy nhà nhà cùng làm bánh tráng như xưa...

Anh Nguyễn Thanh Răng là một trong số ít những người tâm huyết còn theo nghề làm bánh tráng. Là người chuyên giao bột và thu mua bánh tráng, nhưng từ năm 2008, chứng kiến tình trạng các lò làm bánh tráng thủ công truyền thống lần lượt ngừng hoạt động, anh Răng đã mạnh dạn vay mượn 700 triệu đồng từ anh em và ngân hàng để mua máy móc làm bánh tráng với mục đích là để giữ nghề. Anh Răng kể: “Thấy mọi người bỏ nghề làm bánh tráng, ngày nào tôi cũng đau đáu một chuyện là làm sao giữ được cái nghề truyền thống cha ông đã để lại. Muốn vậy thì phải cải tiến kỹ thuật sản xuất theo hướng giảm bớt lao động thủ công, nhưng phải làm ra được nhiều sản phẩm hơn. Lúc đó, tôi vẫn luôn tin rằng nếu mình làm được thì mọi người sẽ làm theo và làng nghề có hy vọng khôi phục, vậy mà…”.

Hiện cơ sở sản xuất bánh tráng của anh Răng được vận hành bằng hệ thống máy móc, bình quân mỗi ngày sản xuất được khoảng 400kg bánh các loại, giá bán bình quân là 25.000 đồng/kg, giải quyết việc làm thường xuyên cho 11 lao động với mức lương bình quân đạt 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù vậy, cơ sở sản xuất bánh tráng của anh Răng cũng không tránh khỏi khó khăn về đầu ra của sản phẩm. Chia sẻ với chúng tôi, anh Răng cho biết: “Giá nguyên liệu đầu vào ngày càng cao, trong khi giá bán sản phẩm lại bấp bênh, không ổn định khiến cho cơ sở của tôi gặp khó khăn. Cũng vì khó khăn đầu ra mà mọi người đành bỏ nghề để làm nghề khác!”.

 Mặc dù quyết tâm khôi phục làng nghề nhưng những người như chị Huệ, anh Răng sẽ khó mà làm được nếu không có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Khó khăn lớn nhất của làng nghề bánh tráng Phú An vẫn là đầu ra của sản phẩm, giải quyết được khó khăn này thì “bếp lửa” của làng nghề lại rực cháy như xưa.

PHƯƠNG AN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên