Lao động chất lượng cao: Không lo... thất nghiệp

Cập nhật: 18-11-2015 | 09:14:44

Bình Dương được đánh giá là địa phương có nguồn nhân lực dồi dào, cung ứng cho các doanh nghiệp (DN), thế nhưng, hàng năm nhiều sinh viên (SV), học viên (HV) ra trường vẫn thất nghiệp. Trong khi đó, DN phải thay đổi mọi chính sách để “săn” nhân lực chất lượng cao. Từ đó, Bình Dương đặt ra vấn đề là cần có sự liên kết đào tạo mới có thể đáp ứng nhu cầu của DN. Mặt khác, SV cũng cần trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng mềm để có chỗ đứng sau khi ra trường.

  Anh Lâm Hùng Cường, kỹ sư Công ty TNHH Điện tử Foster tự tin làm việc khi có chuyên môn nghiệp vụ

Vững tin với chuyên môn

Mỗi năm, cả nước có hàng ngàn SV tốt nghiệp, nhưng không phải ai cũng tìm được việc làm. Riêng ở Bình Dương, con số này chưa được thống kê chính xác, nhưng cũng có khá nhiều SV chung cảnh thất nghiệp. Bên cạnh những SV ra trường khó tìm được việc, nhiều SV vững chuyên môn “đủng đỉnh” lựa chọn DN phù hợp về đầu quân. Trường hợp anh Lâm Hùng Cường (SN 1988) là một điển hình. Ra trường với tấm bằng kỹ sư ngành điện của Đại học Bình Dương, cộng với khả năng nói tiếng Hàn lưu loát, kỹ năng giao tiếp, Cường được nhận ngay vào phòng nghiên cứu của Công ty TNHH Điện tử Foster (KCN VSIP II) với mức lương cao. Để có được sự tự tin đó, trong những năm học đại học, Cường vừa đi học, vừa xin làm thêm tại các công ty chuyên nghiên cứu về điện - điện tử. Sau giờ học, Cường còn tranh thủ đi học tiếng Anh, tiếng Hàn, tham gia các chương trình ngoại khóa do Đoàn trường tổ chức.

Cũng từ kinh nghiệm thực tiễn, những SV được đào tạo bài bản, có chuyên môn sẽ tự tin trong lúc đi xin việc. Do đó, các trường nghề trong tỉnh đã thực hiện nhiều phương pháp đào tạo để bảo đảm đầu ra nhân lực chất lượng. Cụ thể, tại trường Cao đẳng Việt Nam - Singapore (TX.Thuận An), trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Đồng An (TX. Dĩ An), trường Trung cấp Việt - Hàn (TP. Thủ Dầu Một)… để tìm đầu ra cho HV, SV, các trường đã liên kết lao động với các DN. Đầu năm, trường đã thông báo những DN có nhu cầu tuyển dụng các ngành nghề, sau đó mở các lớp đào tạo đúng ngành nghề cần tuyển. Bên cạnh đó, các trường còn tạo điều kiện cho HV, SV thực tập, học việc tại các DN để vững tay nghề khi ra trường; đồng thời tổ chức các buổi tư vấn “kỹ năng làm việc” cho HV, SV nhằm giúp các em nắm bắt kỹ năng định hướng phát triển nghề nghiệp và tham gia phỏng vấn việc làm.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Việt Nam - Singapore khẳng định: “Hiện nay, SV, HV ra trường thất nghiệp nhiều, nhưng nếu chịu khó trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, các em sẽ không lo không có việc làm. Bởi qua khảo sát của nhà trường, DN rất cần lao động có năng lực, chuyên môn để họ không phải đào tạo lại khi tuyển dụng. Đây là tín hiệu vui cho các em, nhất là các em đang ngồi trên ghế giảng đường hay học nghề phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa, học thật tốt để có công việc ổn định trong tương lai”.

DN “săn” và “giữ chân” nhân lực chất lượng cao

Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, tại các phiên giao dịch việc làm, nhiều DN đăng tuyển liên tục lao động có chuyên môn, tay nghề. Mặc dù trung tâm đã hỗ trợ đăng tuyển dụng trực tiếp, trực tuyến trên trang web, hay liên kết lao động các tỉnh nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tuyển lao động có chuyên môn cho DN. Song song với việc ngồi chờ có người đến nộp hồ sơ, nhiều DN đã đưa ra những “chiêu” tìm lao động có chuyên môn. Theo chị Tô Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn công ty, phụ trách nhân sự Công ty American Home (TX. Dĩ An), khi tuyển dụng lao động phổ thông, cán bộ nhân sự chỉ cần dán thông báo ở cổng công ty, hoặc tới trung tâm giới thiệu việc làm là có thể nhận được rất nhiều hồ sơ xin việc, thậm chí người không có tay nghề DN vẫn tiếp nhận rồi công ty dạy nghề sau. Tuy nhiên, khi DN cần tuyển dụng lao động kỹ thuật thì DN phải “đỏ mắt” mới tìm được.

Trước khó khăn đó, nhiều DN đã chủ động đến các trường đại học, cao đẳng, trường nghề tuyển dụng, hoặc đưa ra những chính sách thu hút nhân lực. Tại Công ty Thiết kế xây dựng Kiến Xanh (TP.Thủ Dầu Một) để tuyển được lao động có chuyên môn, nghiệp vụ và muốn họ có trách nhiệm với công việc, công ty đã thay đổi tư duy và phương pháp quản lý nhân lực. Công ty đã phân chia cổ phần để nhân viên nắm giữ. Cuối năm, số tiền lợi nhuận sẽ chia cho những người có cổ phần, từ đó không bị áp lực trong việc quản lý nhân viên, bắt buộc họ có trách nhiệm với công việc thông qua quản lý hồ sơ, tính lương, thưởng.

Song song với tuyển dụng, DN cũng tìm mọi cách để “giữ chân” lao động có tay nghề. Lý do các DN đưa ra, những lao động có trình độ, kinh nghiệm luôn có nhiều lựa chọn về môi trường làm việc, mức lương và nhiều chế độ ưu đãi khác. Đặc biệt là những người có thâm niên thường không chỉ có kinh nghiệm thuần túy mà nhiều khả năng đã nắm giữ những “bí mật” trong sản xuất, kinh doanh của chính DN đó. Nếu lao động đó bất mãn bỏ việc, xin việc mới tại các DN khác sẽ gây thiệt hại cho DN mình. Bởi vậy, các công ty rất coi trọng những lao động thực sự có tay nghề, kinh nghiệm.

Với vai trò của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), để bảo đảm có nguồn lao động đủ chuẩn cung ứng cho các DN, theo ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH, ngành đã có phương án như trao đổi với các Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị, thành phố, phối hợp với Liên đoàn Lao động các huyện, thị, thành phố tuyên truyền mạnh hơn nữa về thị trường lao động, về các tiêu chuẩn của lao động trong quá trình hội nhập. Bên cạnh đó, ngành cũng đã đề nghị các trường xem xét lại vấn đề đào tạo để hướng đến mục tiêu tạo ra những nhân lực có kiến thức, vững chuyên môn để đáp ứng đúng nhu cầu của DN; đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất SV, HV ra trường thất nghiệp.

 THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên