Lực lượng an ninh Bình Dương trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: Mưu trí, dũng cảm tạo nên sức mạnh

Cập nhật: 30-04-2015 | 09:19:59

Ngày 13-4-1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Thủ Dầu Một, Tỉnh ủy thành lập Ban chỉ đạo tiền phương và phân công Ban An ninh tỉnh chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng như: Tòa hành chánh, Tòa án, Khám đường Bình Dương (tức Khám đường Đinh Bộ Lĩnh), Nhà việc Phú Cường và Ty cảnh sát ngụy.

Đồng chí Mai Thế Trung (đứng thứ hai từ trái sang), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và đồng chí Trần Đức Hùng dự họp mặt truyền thống an ninh Bình Dương tại căn cứ Bàu Khai, xã An Lập, Dầu Tiếng

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, từ ngày 20-4-1975 đến ngày 26-4-1975 tại căn cứ Bàu Gốc, xã Bình Mỹ, huyện Tân Uyên, Ban An ninh tỉnh liên tiếp mở các cuộc họp nhằm xây dựng kế hoạch tiến công chiếm tỉnh lỵ Thủ Dầu Một. Cuộc họp cuối cùng tại khu vực căn cứ Vĩnh Tân (thuộc xã Vĩnh Tân ngày nay) thống nhất kế hoạch và lập tiểu ban tiếp quản gồm các đồng chí Nguyễn Văn Tấn, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban An ninh tỉnh phụ trách chung, cùng các đồng chí Võ Sỹ Lâm, Đỗ Văn A, Phạm Quang Khánh, Trần Đức Hùng và cán bộ an ninh vũ trang làm nòng cốt, chia thành 3 cánh quân đánh vào các mục tiêu quan trọng. Rạng sáng ngày 27-4-1975, các cánh quân của ta đồng loạt tiến thẳng vào các mục tiêu.

“Lúc đầu nghe giải phóng miền Nam thì mừng, nhưng lo, vì mỗi người được trang bị vũ khí rất ít, chỉ là súng AK và một ít đạn dược. Nhưng anh em cùng xác định quyết một trận cuối cùng, thà hy sinh chứ không đầu hàng địch. Lúc đầu băn khoăn nhưng khi đã xác định thì đều quyết tâm tất cả, cho nên một mực lao vào. Khi mình đánh chiếm rồi lúc đó mới cảm thấy mình sống…!”.

(Đồng chí Trần Đức Hùng)

Đồng chí Võ Sỹ Lâm, Trưởng Tiểu ban bảo vệ chính trị, người tham gia cánh quân thứ nhất nhớ lại: Cánh của tôi có 8 đồng chí do đồng chí Lý Quốc Trung phụ trách cùng xuất phát từ Truông Bồng Bông qua Bưng Cầu. Tại đây, các chiến sĩ an ninh gặp trung đội bảo an đang hoang mang lo sợ. Bằng biện pháp binh vận, ta đã thuyết phục họ bỏ súng về với nhân dân mà không tốn một viên đạn. Cánh thứ nhất tiếp tục tiến thẳng vào Tòa án và Tòa hành chánh tỉnh. Tại đây, sau khi nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, khoảng 300 tên lính địa phương tập trung trước dinh tỉnh trưởng cùng 2 khẩu pháo 105 ly (nhưng nòng đã chúc xuống), thần kinh căng thẳng chờ đợi… Chúng hoảng hốt khi thấy lực lượng ta tiến vào. Cán bộ an ninh vũ trang thì ít, đồng bào thì đông, nhất là số nam nữ thanh niên nhặt súng của số lính ngụy bỏ lại trang bị đi cùng với ta. Tình hình rất căng thẳng, nếu không khéo sẽ xảy ra đổ máu. Các đồng chí phụ trách tiến tới kêu gọi chúng bỏ súng về với nhân dân. Các má, các chị cũng tiếp lời. Khí thế của ta như vũ bão, tiến thẳng vào dinh Tỉnh trưởng. Tinh thần đã hoang mang rệu rã, được nghe chính sách cách mạng đối với hàng binh, lại thấy khí thế quần chúng hào hùng, bọn lính lần lượt cởi bỏ quần áo lính ngụy đầu hàng. Đồng chí Năm Trung và đồng chí Tư Chánh nhanh chóng hạ cờ ngụy xuống, treo cờ của ta lên dinh Tỉnh trưởng. Tiếp đó, cánh thứ nhất tiến thẳng vào Khám đường Bình Dương bắt tên ác ôn Nguyễn Văn Sum - phụ trách Khám đường, giải phóng 141 tù nhân bị giam trong khám”…

Tuy tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng với khí thế của ngày đại thắng năm nào, đồng chí Trần Đức Hùng - một trong những người phụ trách cánh quân thứ hai, vẫn mạch lạc nhớ lại từng chi tiết: “Cùng phụ trách cánh thứ hai với tôi là đồng chí Trương Anh Đức, tự Út Đức. Cánh gồm 8 đồng chí, đi từ Vĩnh Tân qua Tân Phước Khánh, Phú Chánh, Phú Hòa. Khi qua khu vực Phú Lợi, cán bộ chiến sĩ cánh thứ 2 đã vận động quần chúng trên 2 chiếc xe đò cùng tham gia tiến công chiếm lĩnh Ty cảnh sát Bình Dương. Đến trước Ty cảnh sát, với khí thế của ta, bọn địch hốt hoảng buông súng tháo chạy, còn lại khoảng 1/3 quân địch xin đầu hàng. Cờ cách mạng nhanh chóng được treo lên trụ cờ của địch”.

Khi được hỏi về tâm thế người chiến sĩ an ninh lúc đó như thế nào, đồng chí Trần Đức Hùng cho biết: “Lúc đầu nghe giải phóng miền Nam thì mừng, nhưng lo, vì mỗi người được trang bị vũ khí rất ít, chỉ là súng AK và một ít đạn dược. Nhưng anh em cùng xác định quyết một trận cuối cùng, thà hy sinh chứ không đầu hàng địch. Lúc đầu băn khoăn nhưng khi đã xác định thì đều quyết tâm tất cả, cho nên một mực lao vào. Khi mình đánh chiếm rồi lúc đó mới cảm thấy mình sống…”.

Cánh thứ ba do đồng chí Đỗ Văn A, Tiểu đoàn trưởng an ninh vũ trang và đồng chí Phạm Quang Khánh phụ trách, cùng tổ an ninh vũ trang gồm 9 đồng chí đi từ Vĩnh Tân xuống Phú Chánh, qua Phú Lợi phối hợp lực lượng vũ trang thị xã do đồng chí Huỳnh Văn Tấn (Bảy Tấn), Bí thư Thị ủy chỉ huy đánh chiếm trụ sở Nhà việc Phú Cường.

Với quân số không bằng 1% quân địch nhưng cán bộ, chiến sĩ an ninh Thủ Dầu Một đã khôn khéo vận dụng biện pháp quần chúng, vừa mưu trí, dũng cảm tạo nên sức mạnh tổng hợp giữa tiến công và nổi dậy. Khi lực lượng ta tiến công đến đâu đều được đông đảo quần chúng kéo theo hỗ trợ, tạo thành lực lượng hùng mạnh, khí thế ngất trời khiến quân địch hoảng sợ, hàng ngũ rệu rã nhanh chóng, buông súng đầu hàng, hốt hoảng tìm đường thoát thân. Ta đã tiến công chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng mà không tốn một viên đạn, tránh được đổ máu, thương vong. Chiến thắng góp phần tạo thế tiến công cho bộ đội chủ lực của ta đang tập trung đánh tan Sư đoàn 1 ngụy ở Phú Lợi.

Đúng 10 giờ ngày 30-4-1975, lực lượng an ninh tỉnh Thủ Dầu Một dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Văn Tấn, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban An ninh tỉnh đã chiếm lĩnh hoàn toàn 3 mục tiêu trọng yếu và thu toàn bộ hồ sơ, tài liệu của địch...

Thiếu tướng VÕ THÀNH ĐỨC, Giám đốc Công an tỉnh:

“Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng an ninh tỉnh đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, khôn khéo, mưu trí, dũng cảm đương đầu với các âm mưu, thủ đoạn của các cơ quan tình báo, cảnh sát đặc biệt, các tổ chức trá hình của Mỹ - ngụy để bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ các lực lượng và phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chính vì vậy, cuộc kháng chiến của quân và dân Bình Dương nói chung, lực lượng an ninh nói riêng diễn ra vô cùng gian khổ, ác liệt, nhưng thắng lợi vẻ vang đã tô thắm thêm truyền thống cách mạng.

Thực tiễn đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quan tâm, chi viện của Bộ Công an, được nhân dân bao bọc, giúp đỡ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ban ngành đoàn thể, lực lượng an ninh Bình Dương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ hoàn thành xuất sắc vai trò, nhiệm vụ của mình, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và để lại nhiều bài học quý giá”.

 

T.L

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên