Né tránh trách nhiệm

Cập nhật: 28-11-2011 | 00:00:00

Thất bại của đội tuyển bóng đá U23 VN tại SEA Games 26 vừa qua đã làm đau lòng người hâm mộ. Từ sự kỳ vọng lớn lao đến thất vọng ê chề đã đẩy người hâm mộ nao núng, chán chường. 20 năm, bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể lớn lên. Chỉ so sánh ở khu vực Đông Nam Á thôi, bóng đá Việt Nam luôn ngồi chiếu dưới chứ đừng nói gì xa xôi. Có một thời có người khẳng định bóng đá Việt Nam đang trên đà đi tới một vòng chung kết bóng đá thế giới trong tương lai gần. Nhưng đó chỉ là lạc quan tếu. Hãy nhìn vào sự thật để đặt đúng chỗ bóng đá Việt Nam đang ở vị trí nào trên bản đồ bóng đá thế giới. Có người cho rằng bóng đá Việt Nam đang đi xuống. Việt Nam chỉ nên đầu tư vào bóng đá cho có phong trào thôi. Tranh nhau chỉ ở tầm khu vực. Còn bước xa hơn nữa thì chỉ góp tụ cho vui. Ngẫm kỹ lại thấy đúng.

Sau SEA Games 26, người hâm mộ vẫn cố chờ đợi sự mổ xẻ nguyên nhân thất bại từ lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và ban huấn luyện. Thế nhưng tất cả đều thất vọng. Mới đây, trả lời phỏng vấn báo chí về nguyên nhân thất bại của U23 VN, hai người có trách nhiệm trực tiếp về thất bại của tuyển U23 VN đã “bình thản” trả lời. Huấn luyện viên trưởng U23 VN Falko Goetz nói: “U23 VN thua vì đối thủ mạnh hơn”. Còn Tổng Thư ký VFF Trần Quốc Tuấn giải thích dài dòng hơn: “Về tổng thể, cầu thủ cũng có những nỗ lực nhưng ở những trận đấu quyết định như trận bán kết với Indonesia và trận tranh HCĐ với Myanmar, U23 VN thể hiện lối chơi không thuyết phục, có những vấn đề thiếu hợp lý trong ý đồ ra sân nên không đạt được kết quả. Về mặt khách quan, U23 VN không phải là đội mạnh nhất SEA Games 26. Chẳng hạn U23 Malaysia với dàn cầu thủ có kinh nghiệm từ SEA Games 25, AFF Cup 2010... nên đây là đối thủ đáng gờm. U23 Indonesia có lợi thế sân nhà lớn... Trong khi đó, các cầu thủ U23 VN ít có kinh nghiệm trận mạc”. Ông Tuấn đã nói như thế trong tâm trạng Hội Cổ động viên bóng đá Việt Nam có thư gửi VFF đề nghị ông từ chức vì thất bại của đội tuyển U23 VN ở SEA Games 26.

Không biết có phải do quá áp lực trước công chúng và báo chí hay không mà cả ông Goetz lẫn ông Tuấn trả lời nguyên nhân dẫn đến thất bại một cách thờ ơ, vô trách nhiệm và không một chút chuyên nghiệp, bị dư luận phản ứng gay gắt. Trả lời như thế một người bình thường cũng có thể trả lời được. Còn nói về việc từ chức, ông Tuấn nhận trách nhiệm nhưng ông có từ chức hay không thì để VFF nói vì ông không thể nói được. Bởi theo ông Tuấn: Tôi không thể đánh giá được, còn những gì tôi làm được thì hãy để Ban lãnh đạo VFF đánh giá tôi. Thử hỏi, Ban lãnh đạo VFF gồm những ai? Có ông Tuấn trong đó không? Rồi cái “ban lãnh đạo” ấy có đủ công tâm và dũng cảm để “đánh giá” người cùng xuồng không? Ông Tuấn đã trả lời vòng vo để né tránh trách nhiệm cá nhân. Từ chức là một ý thức tự thân, sao lại nói “lãnh đạo bảo tôi từ chức thì tôi từ chức”. Và như thế nếu có là bị sa thải chứ không phải là từ chức. Một người lãnh đạo với ý thức cũ, tư duy quá cũ thì làm sao có thể làm mới nền bóng đá được.

THÁI PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=264
Quay lên trên