Ngành gốm sứ Bình Dương: Tìm lối ra trong thời buổi khó

Cập nhật: 24-10-2013 | 00:00:00

Gốm sứ là một trong số ít ngành nghề truyền thống của Bình Dương xuất khẩu thành công. Tuy nhiên, bước sang năm 2013, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Do vậy, các doanh nghiệp (DN) ngành gốm đang “tăng tốc” xúc tiến thương mại (XTTM) tìm kiếm thị trường cho sản phẩm gốm sứ.

Đơn hàng, lợi nhuận đều giảm

Theo đánh giá của Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương (Bicera), năm 2013, châu Âu vẫn còn chưa thoát khỏi vòng xoáy khủng hoảng và tình trạng thắt chặt chi tiêu. Ngoài thị trường Anh mới chớm hồi phục, thị trường Mỹ vẫn chưa khôi phục như mong muốn, còn các thị trường khác như Úc, Brazil, Argentina, Trung Đông... sức mua chưa có gì đột biến. Xu hướng chung hiện nay của khách hàng là đặt hàng muộn và rất dè dặt, không còn ồ ạt như những năm trước.

Sản phẩm gốm sứ Công ty Đại Hồng Phát đang được khách hàng ưa chuộng

Năm 2013, số lượng và giá trị đơn hàng xuất khẩu của các DN gốm sứ Bình Dương sẽ giảm khoảng 15 - 20% so với năm 2012. Một số ít DN có đơn hàng xuất khẩu tăng nhưng tăng không nhiều và không phải là trường hợp điển hình. Đơn cử như Công ty Cường Phát tăng 15% số lượng hợp đồng xuất khẩu nhờ một số khách hàng Nhật và châu Âu từ bỏ gốm sứ Trung Quốc chuyển sang đặt hàng Việt Nam nhưng chủ yếu là các sản phẩm trang trí trong nhà. Còn Phước Dũ Long tăng 50% do năm trước xuất khẩu ít, năm nay một số khách hàng cũ quay lại, đồng thời có thêm một số đơn hàng mẫu số lượng tương đối lớn nên kết quả khả quan hơn năm 2012. Chỉ riêng “anh cả” Minh Long I có 80% doanh số nội địa nên khá ổn định.

Đầu vào liên tục tăng

Ngoài khó khăn về thị trường, các DN còn phải đối phó với khó khăn bên trong. Lao động (LĐ) phổ thông thì dư thừa, trong khi LĐ có tay nghề thì thiếu hụt rất nhiều, nhất là trong những tháng cuối năm, mùa cao điểm của ngành gốm sứ. Do trong 4 tháng “thấp điểm” từ sau Tết Nguyên đán, các DN gốm sứ không đủ sức để “nuôi quân”, nên không thể giữ chân được LĐ có tay nghề. Và số LĐ này đã chuyển qua làm cho các DN thuộc các ngành nghề ổn định hơn như may mặc, điện tử, cơ khí... Hệ lụy là khi tới mùa cao điểm, khách hàng muốn đặt hàng nhiều, DN gốm sứ cũng không dám nhận vì không đủ thợ lành nghề. Đây quả là một bài toán hóc búa nhiều năm nay DN gốm sứ vẫn chưa tìm ra lời giải.

Bên cạnh khó khăn về LĐ, ngành gốm sứ còn gặp khó do giá cả đầu vào tăng mạnh. Tháng 8-2013, giá gas khoảng 1.080 USD/tấn tăng khoảng 220 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2012. Đất sét trắng giá vào khoảng 500 - 550 đồng/kg, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2012. Đặc biệt đất sét điểm đột ngột tăng giá kỷ lục từ 1,9 triệu/ xe lên 2,8 triệu/xe trong vòng mấy ngày cuối tháng 8-2013 (tăng 47%)... Chưa biết giá cả các loại nguyên liệu, xăng dầu có ngừng tăng trong các tháng cuối năm sắp tới hay không?

Giải pháp nào?

Tại cuộc họp với Bộ trưởng bộ Công Thương và lãnh đạo tỉnh về việc tháo gỡ khó khăn DN, hỗ trợ thị trường, ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch Bicera kiến nghị: “Trước khó khăn thiếu LĐ có tay nghề, hiệp hội kiến nghị với lãnh đạo nên định hướng đưa chương trình đào tạo nghề gốm vào các trường trung cấp, cao đẳng nghề, để đào tạo đội ngũ LĐ kế thừa, phục vụ ngành gốm trong tương lai”. Cũng theo ông Lý Ngọc Minh, trong thời điểm rất khó khăn vì thiếu đơn hàng xuất khẩu, các DN gốm sứ còn phải nâng lương cơ bản theo luật định, lo đối phó với sự tăng giá mạnh của hai loại nguyên vật liệu đầu vào cơ bản nhất là đất sét và củi, mong các cấp lãnh đạo cân nhắc và có biện pháp giúp đỡ.

Để vượt khó, ổn định sản xuất kinh doanh, giữ nghề, Bicera xác định chỉ có con đường XTTM, ổn định thị trường cũ, mở rộng thị trường mới, tiềm năng. Bicera đã tổ chức một đoàn gồm 20 DN tham quan và làm việc tại hội chợ Bitec (Bangkok, Thái Lan) về nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất và đến thăm một số nhà máy sản xuất gốm sứ, vật liệu chịu lửa tại Thái Lan. Sang năm 2014, với xu hướng quay trở về thị trường nội địa, Bicera xác định hội chợ Lifestyle Vietnam được tổ chức từ 18 đến 21-4- 2014, hiệp hội đưa khoảng 12 DN thành viên tham gia trưng bày, triển lãm. Theo đề xuất của một số DN, hiệp hội cũng đăng ký với Trung tâm XTTM (Sở Công Thương TP.HCM) tham gia hội chợ Vifa về trang trí nội thất vào tháng 3-2014 tại quận 7. Đặc biệt, hiệp hội cũng đề ra kế hoạch tham gia triển lãm, duy trì việc quảng bá hình ảnh của gốm sứ Việt Nam nói chung và của Bình Dương nói riêng tại thị trường châu Âu cũng như thế giới tại các hội chợ quốc tế Ambiente (vào tháng 2-2014), tại Frankfurt - Đức; hội chợ National Hardware Show (5-2014) tại Las Vegas - Mỹ; hội chợ Spoga Gafa (9-2014), tại Cologne - Đức… để củng cố thị trường và tìm kiếm thêm các đối tác khác đến từ Mỹ, một số nước thuộc Nam bán cầu...

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=485
Quay lên trên