Hiện nay, Bình Dương còn một số doanh nghiệp (DN) không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), từ đó gây nhiều khó khăn cho việc cân bằng quỹ BHXH, cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động (NLĐ). Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH tỉnh.
- Thưa bà, tại sao hiện nay Bình Dương vẫn còn một số DN chưa tham gia BHXH cho NLĐ?
- DN chưa tham gia BHXH hầu hết là những DN vừa và nhỏ. Theo quy định về tiêu chí xác định DN nhỏ và vừa, thì phân theo quy mô (số lao động tham gia BHXH bình quân năm và tổng doanh thu của năm hoặc tổng nguồn vốn) sẽ bao gồm: DN siêu nhỏ, DN nhỏ, DN vừa. Các DN này nhìn chung là có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, thường hoạt động mang tính chất gia đình, không có tổ chức bộ máy hoàn chỉnh, nhiều tháng trong năm không thuê mướn hoặc sử dụng lao động và không có phát sinh tiền lương… nên thường không quan tâm đến việc tham gia BHXH.
Hơn nữa, theo quy định của cơ quan thuế thì loại hình công ty TNHH một thành viên, DN tư nhân không được hạch toán tiền lương vào chi phí; đồng thời các loại hình này thường là DN thương mại và chỉ có một lao động cũng là chủ nên họ cũng không thuộc đối tượng tham gia BHXH.
NLĐ sẽ yên tâm lao động sản xuất nếu được quan tâm, chăm lo và được đóng BHXH đầy đủ
- Đối với các DN có đông lao động nhưng trốn đóng BHXH, NLĐ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, thưa bà?
- Trường hợp DN trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ- BNN) thì sẽ ảnh hưởng rất lớn, trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ. Nếu NLĐ không may bị rủi ro, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, thì không được hưởng các quyền lợi của chế độ BHXH, BHYT, BHTN và BHTNLĐ-BNN.
Không đóng BHXH, người sử dụng lao động (tức DN) cũng sẽ bị thiệt thòi về quyền lợi. Khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho NLĐ theo quy định, DN được phép trích và tính các khoản đóng góp vào giá thành, giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán ra và được khấu trừ chi phí trước khi tính thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân. Nếu DN không tham gia, hoặc trốn đóng, thì khi cơ quan có thẩm quyền thanh kiểm tra phát hiện hoặc xảy ra tranh chấp với NLĐ, DN phải chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm pháp lý như: Bị phạt vi phạm hành chính, phải đền bù chi phí hoặc chi trả đầy đủ chế độ cho NLĐ theo quyền lợi quy định, thậm chí có thể bị truy tố theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.
- Thưa bà, biện pháp xử lý như thế nào đối với các DN trốn đóng BHXH?
- Khi phát hiện DN trốn đóng BHXH, cơ quan BHXH sẽ thực hiện theo quy trình sau, ban đầu gửi thông báo đôn đốc đơn vị đăng ký tham gia, 15 ngày một lần. Sau 15 ngày kể từ ngày gửi thông báo lần thứ 2 mà đơn vị không đăng ký tham gia thì BHXH thì cán bộ BHXH sẽ trực tiếp đến đơn vị đôn đốc, hướng dẫn đăng ký tham gia và đóng đủ các chế độ theo quy định pháp luật cho NLĐ; đồng thời lập biên bản làm việc. 15 ngày sau đơn vị vẫn chưa đóng BHXH thì chuyển hồ sơ để thực hiện đôn đốc thường xuyên và tiến hành kiểm tra.
Sau 3 tháng, đơn vị vẫn không thực hiện thì tiến hành tổ chức thanh tra chuyên ngành, hoặc phối hợp với cơ quan quản lý lao động, cơ quan thuế thành lập đoàn thanh tra liên ngành. Trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an đề nghị điều tra theo quy định của pháp luật hình sự. Tuy nhiên, một thực tế phải thừa nhận là vấn đề thanh tra đối với các DN siêu nhỏ, nhất là DN có dưới 5 lao động gặp rất nhiều khó khăn và khó thực hiện. Lý do, đơn vị thường không có đầy đủ hồ sơ, chứng từ; không có nhân sự phụ trách BHXH; DN quy mô quá nhỏ cũng không thể yêu cầu cơ quan công an xử lý hình sự.
- Như vậy, đâu là giải pháp để khắc phục tình trạng các DN trốn đóng BHXH, thưa bà?
- Theo tôi, cần phải có chế độ báo cáo và trích nộp linh hoạt hơn, phù hợp với bộ máy và quy mô hoạt động của loại hình DN; tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với DN cố ý trốn đóng (hiện nay mức xử phạt tối đa của giám đốc BHXH tỉnh chỉ là 75 triệu đồng) đang còn nhẹ nên chưa có tính răn đe.
Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư đang xây dựng phần mềm quản lý DN dùng chung cho các sở, ngành, nếu triển khai được sẽ có hiệu quả nhất định, các thông tin về tình hình hoạt động và vi phạm của DN sẽ được cập nhật để các sở, ban, ngành phối hợp xử lý cũng là một giải pháp rất tốt.
- Xin cảm ơn bà!
Theo số liệu từ Cục Thuế tỉnh, hiện nay, Bình Dương có 27.052 đơn vị, DN đã cấp mã số thuế còn hoạt động (trong đó 2 loại hình DN quy mô nhỏ, siêu nhỏ là 1.195 DN tư nhân, 7.943 công ty TNHH một thành viên). Số đơn vị DN tham gia BHXH bắt buộc đến tháng 10-2018 là 11.176 đơn vị, như vậy còn 15.876 đơn vị chưa tham gia. Trong số đơn vị chưa tham gia thì 2 loại hình DN quy mô nhỏ, siêu nhỏ và công ty TNHH một thành viên chiếm 57%, còn lại đa số xin phép thành lập nhưng thực tế không hoạt động hoặc không có phát sinh lao động, doanh thu và chưa làm các thủ tục ngưng hoạt động.
TỐ TÂM (thực hiện)