Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) vừa thông báo các chính sách mới đối với lao động đi làm việc tại Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc).
Đây là những thông tin để người lao động chủ động nắm bắt, tuân thủ các quy định pháp luật của nơi sẽ đến và làm việc.
Theo đó, Chính phủ Thái Lan đã cho phép lao động nước ngoài không chính thức (irregular foreign worker) là công dân của 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar được phép lưu trú tới ngày 13/02/2023.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, nếu người lao động muốn tiếp tục ở lại làm việc tại Thái Lan thì cần phải nộp đơn xin visa, xin cấp giấy phép làm việc (worker permit). Lao động có giấy phép làm việc cấp trước ngày 13/02/2023 sẽ được phép ở lại làm việc cho tới ngày 13/2/2025. Trong thời gian từ ngày 13/2/2023-13/2/2025, người lao động sẽ được đăng ký lưu trú là làm việc hai lần, mỗi lần tối đa 1 năm.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng thông báo về những thay đổi về chính sách đối với lao động nước ngoài tại Đài Loan (Trung Quốc). Đài Loan đã có những thay đổi về việc tăng lương cơ bản cho lao động làm việc tại gia đình và điều chỉnh một số nội dung của phương án nhập cảnh Đài Loan dành cho lao động nước ngoài.
Từ ngày 10/8, Đài Loan tăng mức lương cơ bản của người lao động làm việc tại gia đình (khán hộ công và giúp việc gia đình) từ 17.000 Đài tệ (hơn 13 triệu đồng) lên 20.000 đài tệ/tháng (hơn 15 triệu đồng/tháng. Mức lương này được áp dụng đối với các trường hợp người lao động được tuyển dụng mới hoặc chuyển chủ.
Đối với lao động gia đình đã làm việc đủ 3 năm và đủ 6 năm cho cùng một chủ sử dụng, đề nghị chủ sử dụng xem xét chi trả mức lương cơ bản tương ứng 21.000 Đài tệ (hơn 16 triệu đồng) và 22.000 Đài tệ/tháng (hơn 17 triệu đồng) khi hai bên ký gia hạn hợp đồng.
Ngoài ra, Đài Loan cũng nới lỏng các điều kiện kiểm dịch khi nhập cảnh. Theo đó lao động không phải xét nghiệm PCR với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ trước khi xuất cảnh. Tuy nhiên, Đài Loan duy trì xét nghiệm COVID-19 đối với lao động khi nhập cảnh và quy định 3 ngày cách ly, 4 ngày tự theo dõi sức khỏe.
Đối với những trường hợp đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 ở trong nước, lao động phải đợi 7 ngày kể từ ngày lấy mẫu xét nghiệm mới được phép xuất cảnh.
Đài Loan cũng công bố cơ sở đánh giá tạm dừng cung ứng lao động đối doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động. Theo đó, trong thời gian 1 tháng, nếu doanh nghiệp dịch vụ có tỷ lệ lao động khi nhập cảnh mắc COVID-19 từ 2 người và tỷ lệ 20% trở lên, sau khi được cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan thông báo, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam sẽ tạm dừng cấp visa 1 tháng đối với doanh nghiệp đó.
Sau khi được thụ lý hồ sơ trở lại, lượng lao động nhập cảnh trong vòng 1 tháng của doanh nghiệp không được vượt quá số lao động nhập cảnh của 1 tháng trước khi bị tạm dừng. Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam sẽ kiểm soát số lượng lao động thông qua quản lý số lượng visa đươc cấp cho người lao động của doanh nghiệp.
Cục Quản lý lao động ngoài nước đã thông báo các doanh nghiệp biết để thông tin tới người lao động. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị kịp thời phản ánh tới Cục Quản lý lao động ngoài nước và Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan để được hướng dẫn thực hiện./.
Theo TTXVN