Niềm tự hào đi cùng năm tháng

Cập nhật: 30-08-2013 | 00:00:00

Trải qua gần 17 năm tái lập tỉnh, Bình Dương đã vươn lên tầm cao mới, trở thành địa phương kiểu mẫu của cả nước về thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển mạnh mẽ, đời sống người dân thay đổi từng ngày. Những con đường mưa bom bão đạn năm xưa ở Địa đạo Tam Giác Sắt, Chiến khu Đ, Chiến khu Vĩnh Lợi, Chiến khu Thuận An Hòa nay đã thay da đổi thịt. Đường giao thông từ cầu Vĩnh Bình, TX.Thuận An về Bến Cát, Tân Uyên, Phú Giáo thông thoáng hẳn, nhiều công trình đồ sộ mọc lên, thành phố mới Bình Dương đang dần hoàn thiện...

   Từ một tỉnh thuần nông, Bình Dương nay trở thành địa phương phát triển năng động bậc nhất của cả nước. Trong ảnh: Một góc TP.Thủ Dầu Một hôm nay Ảnh: Q.CHIẾN

 Sáng tạo trong phát triển

Nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và cả những lãnh đạo của các nước trên thế giới khi đến làm việc tại Bình Dương đều đặt ra câu hỏi, làm thể nào để Bình Dương đổi thay nhanh chóng đến thế? Câu trả lời chúng tôi thường nghe đó là “cú hích” từ công nghiệp. Qua gần 17 năm tái lập tỉnh, phát triển năng động công nghiệp, đô thị, dịch vụ, nông nghiệp, Bình Dương đã đổi thay như một “phép mầu” kỳ diệu. Ngay từ những năm đầu tách tỉnh, Bình Dương đã quan tâm đầu tư cho phát triển công nghiệp, tạo đòn bẩy đưa Bình Dương phát triển năng động theo năm tháng.

Điểm lại quá trình phát triển mới thấy, bài toán phát triển công nghiệp ở Bình Dương là một điểm sáng của cả nước. Giai đoạn 1996-1997, Bình Dương chỉ mới có 2 khu công nghiệp (KCN) là Sóng Thần I và Việt Nam - Singapore thì đến nay Bình Dương đã có tới 28 KCN với tổng diện tích quy hoạch trên 9.000 ha. Công nghiệp phát triển, Bình Dương tiếp tục phát triển đồng bộ thương mại, dịch vụ kỹ thuật cao… Từ sự phát triển này, Bình Dương trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Tháng 4-2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn đầu Đoàn cán bộ lãnh đạo Trung ương đến làm việc tại Bình Dương. Tổng Bí thư không chỉ khen ngợi Bình Dương năng động trong phát triển công nghiệp mà Bình Dương còn có một quá trình phát triển, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, đô thị hóa rất nhanh so với mặt bằng chung của cả nước. Tổng Bí thư cho rằng, cái hay của Bình Dương là biết gắn KCN, khu đô thị với liên kết vùng, cách làm rất sáng tạo. Bình Dương có một chủ trương nhất quán, đặc biệt làchương trình chăm lo đời sống xã hội. Tỉnh cũng đã quan tâm phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Cái hay nữa là, Bình Dương đã vận dụng những tiêu chícủa Trung ương về xây dựng nông thôn mới rất sáng tạo, gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa của tỉnh để đón đầu sự phát triển, tính toán gắn với quá trình phát triển bền vững.

Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ

Một trong những niềm tự hào của Bình Dương trong quá trình phát triển là đã đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là đường giao thông kết nối với TP.HCM và các tỉnh lân cận. Nếu như các trục đường chính như quốc lộ 13, ĐT745, ĐT743, quốc lộ 1K… được đầu tư bài bản thì những tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường vành đai đã hình thành và sắp tới đây là đường ven sông Sài Gòn, nâng cấp mở rộng đường ĐT749B, đường 7A… sẽ tạo nên một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, thuận lợi cho việc giao thương, đi lại cho người dân và nhà đầu tư. Nếu như năm 2005, ở TP.TDM, 2 thị xã Dĩ An và Thuận An đã phát triển mạnh về công nghiệp, đô thị do các yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa thì đến nay, 3 địa phương này đã trở thành đô thị với nhiều công trình khang trang, sầm uất. Còn 2 huyện Bến Cát, Tân Uyên thì đang tiếp bước trở thành đô thị loại III. Riêng 2 huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo và sắp tới đây có thêm 2 huyện mới được chia tách cũng sẽ phát triển đồng đều, góp phần đưa Bình Dương phát triển toàn diện, trở thành thành phốloại I trực thuộc Trung ương vào năm 2020.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh LÊ THANH CUNG:

Quan điểm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về điều chỉnh quy hoạch phát triển KT-XH trong thời gian tới là nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, đưa Bình Dương trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Đến cuối năm 2012, cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp 62%, dịch vụ 34,2%, nông nghiệp 3,8%. Do đó, quy hoạch tập trung giải quyết các nội dung cơ bản như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh dịch vụ, hạ tầng KT-XH đồng bộ để Bình Dương trở thành đô thị; chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực để phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện tốt chức năng quản lý chính quyền Nhà nước đô thị; đầu tư đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Về giải pháp vốn, tỉnh sẽ xây dựng cơ chế theo hướng Nhà nước đầu tư những mục tiêu, chương trình chủ yếu có tính tác động lan tỏa, còn các mục tiêu khác thực hiện thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài và khuyến khích xã hội hóa để đầu tư phát triển.

Có thể thấy rằng, “cú hích” từ công nghiệp và hiện nay đang trong quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo Bình Dương. Nếu vùng đất Thuận An, Thủ Dầu Một, Bến Cát, Dầu Tiếng, Châu Thành năm xưa nổi tiếng với những chiến tích oanh liệt lập nên một Chiến khu Thuận An Hòa hiên ngang, một Tam giác sắt oai hùng, một Chiến khu Đ vang vọng, một Chiến khu Vĩnh Lợi ngoan cường thì hiện nay những vùng đất này đã thay đổi diện mạo hoàn toàn. Những công trình lớn đã mọc lên, thu hút trăm hàng ngàn lao động khắp nơi về Bình Dương làm ăn, sinh sống lâu dài. Con sốtrên 800.000 lao động khắp nơi đổ về Bình Dương lập nghiệp như một minh chứng sống động, Bình Dương là “vùng đất vàng” của sự phát triển toàn diện. Xác định rõ điều này, lãnh đạo tỉnh đã chú trọng đặc biệt đến việc đầu tư phát triển đường sá, cầu cống, trường học, bệnh viện, các công trình nhà ở an sinh xã hội, mời gọi thu hút đầu tư phát triển mạnh thương mại - dịch vụ để đáp ứng cho quá trình phát triển chung của tỉnh nhà.

Để có được sự phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, lãnh đạo tỉnh Bình Dương qua các thời kỳ đã vận dụng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, vận động sức mạnh đoàn kết, nhất trí một lòng trong các tầng lớp nhân dân. Bài học vận dụng được sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân đã được Bình Dương áp dụng thành công trong phát triển KT-XH theo hướng ngày càng bền vững. Nói như ông Nguyễn Tấn Quyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong chuyến làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương tháng 4-2013 vừa qua, Bình Dương đã biết vận dụng sức mạnh của cả hệ thống chính trị để phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh hiệu quả. Bình Dương quy hoạch và quản lý quy hoạch tốt, xây dựng được quy chế điều hành hiệu quả, mạnh dạn đầu tư những dự án trọng điểm của tỉnh về giao thông, đô thị gắn với quy hoạch vùng.

Có thể nói, qua gần 17 năm tái lập tỉnh, Bình Dương tự hào đã phát triển theo từng năm tháng. Niềm tự hào đó được thể hiện ở phong cách lãnh đạo, chỉ đạo năng động, dám nghĩ dám làm của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Sự đồng tâm hiệp lực giữa ý Đảng lòng dân đã tạo sự đồng thuận, gắn kết như một sức mạnh liền mạch, cộng hưởng với thiên thời, địa lợi đã tạo ra một Bình Dương có diện mạo mới, vươn lên tầm cao mới. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Mai Thế Trung khẳng định: “Với tinh thần đoàn kết, năng động, Bình Dương đãtập trung khai thác lợi thế, tiềm năng về vị trí địa lý, tài nguyên đất đai, phát huy nhân tố con người… để đưa một tỉnh còn nghèo với cơ sởhạtầng yếu kém, cóđiểm xuất phát thấp về trình độ phát triển kinh tế trở thành một địa phương đi đầu về phát triển công nghiệp, cùng với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế cả nước”.

 HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên