Nông nghiệp công nghệ cao: Cần sớm nhân rộng

Cập nhật: 08-08-2012 | 00:00:00

Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, giống mới về cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững.

Chính vì hiệu quả cao nên từ những năm giữa thế kỷ XX, các nước phát triển đã quan tâm đến việc xây dựng các khu NNCNC nhằm thúc đẩy sáng tạo khoa học công nghệ giúp cho kinh tế phát triển. Các nước Mỹ, Anh, Phần Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Israel... từ những năm 80 đã rất chú ý phát triển khu vườn NNCNC các cấp (có hàng trăm khu vườn từ cấp quận, tỉnh, thành và cấp quốc gia). Ngoài ra, họ còn đầu tư hàng ngàn cơ sở ứng dụng công nghệ cao (CNC) trên khắp đất nước. Nhờ đầu tư đúng hướng, các khu vườn NNCNC đạt năng suất kỷ lục. Ví dụ như Israel năng suất cà chua đạt 250 - 300 tấn/ha, bưởi đạt 100 - 150 tấn/ha, hoa cắt cành 1,5 triệu cành/ha... đã tạo ra giá trị sản lượng bình quân 120.000 - 150.000 USD/ha/năm. Riêng ở Trung Quốc, tuy mới những năm đầu áp dụng NNCNC nhưng cũng đã đạt giá trị sản lượng bình quân từ 40.000 - 50.000 USD/ha/năm gấp 50 lần so với phương pháp sản xuất cũ.

Ở nước ta, trong thời gian qua, một số tỉnh, thành trong đó có Bình Dương đã đầu tư xây dựng các mô hình NNCNC như: khu NNCNC, mô hình sản xuất NNCNC, vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng CNC bước đầu thu đạt kết quả đáng kể. Riêng ở Bình Dương đã hình thành được 4 khu NNCNC, trong đó khu NNCNC An Thái (xã An Thái, Phú Giáo) đã ứng dụng công nghệ sinh học của Israel vào sản xuất rau sạch, cây ăn quả, dược liệu... đã cho thu hoạch vượt trội so với những cây trồng khác tại địa phương. Ví dụ khu trồng dưa lưới, ớt chuông đạt doanh thu 600 triệu đồng/ha/vụ, khu trồng cà tím Nhật Bản cũng cho doanh thu trên 400 triệu đồng/ha/vụ, lãi chiếm tỷ lệ từ 50 - 60%. Ngoài khu NNCNC, một số nông dân trong tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng mô hình ứng dụng CNC. Người đi tiên phong trong lĩnh vực này là ông Nguyễn Văn Đẹp (xã Phú An, Bến Cát). Trên diện tích 2.000m2, ông Đẹp đầu tư xây dựng nhà lưới kín (màng polyethylen) trồng cà chua, dưa leo theo phương pháp thủy canh và đã đạt năng suất, hiệu quả cao, chất lượng nông sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Hiệu quả sản xuất theo các mô hình NNCNC đã rõ, tuy nhiên để sớm nhân rộng các mô hình này, Bình Dương cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông). Trong đó vai trò của Nhà nước phải là người cầm trịch. Bằng các chính sách ưu đãi về thuê đất, vay vốn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng thêm nhiều mô hình NNCNC ra toàn tỉnh. Những khu NNCNC này có vai trò phối kết hợp với nông dân trong vùng, phát huy lợi thế siêng năng, cần cù, ham học hỏi để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho các hộ nông dân trên địa bàn. Nếu tổ chức phối kết hợp tốt thì các hộ nông dân sẽ là chuỗi “vệ tinh” cho các khu NNCNC trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản phẩm, thúc đẩy nông nghiệp tỉnh nhà nhanh chóng phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới vào năm 2020.

Xuân Quỳnh

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=327
Quay lên trên