Phải bảo đảm lợi ích hài hòa

Cập nhật: 18-01-2014 | 00:00:00

Cuối năm, người lao động lại thấp thỏm nghe ngóng tình hình lương thưởng tết. Năm 2013 tình hình kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn nên tiền thưởng tết của các doanh nghiệp không khả quan so với năm trước. Đây là kết quả không mong đợi của người lao động, nó cũng phản ánh đúng thực tế tình hình khó khăn chung đối với doanh nghiệp hiện nay.

Trong điều kiện khó khăn chung ấy, việc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mới đây liên tiếp đón nhận tin vui khi tiếp tục ăn nên làm ra với số lãi lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Cao nhất có thể kể đến Tổng Công ty Dầu Khí Việt Nam với mức lãi trước thuế lên tới gần 15.000 tỷ đồng, kế cận là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam với gần 9.300 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lãi hơn 4.000 tỷ đồng, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí khoảng 2.500 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam hơn 1.900 tỷ đồng… là thông tin nghe qua bớt đi vẻ phiền muộn sau một năm làm ăn còn nhiều khó khăn của các doanh nghiệp.

Vui là để… cho vui thế thôi chứ ngẫm nghĩ lại nhiều người, nhất là công nhân lao động làm việc tại các công ty tư nhân thấy cũng chạnh lòng, lo lắng. Bởi trong số những “ông lớn” ấy có doanh nghiệp những năm gần đây vẫn thường xuyên bị chê là bộ máy cồng kềnh, làm ăn kém hiệu quả. Năm qua, nhiều người vẫn còn nhớ đã nhiều lần phải “cõng” thêm chi phí điện, xăng dầu, gas, sữa… khi các mặt hàng này đua nhau tăng giá. Riêng ngành xăng dầu trong năm qua điều chỉnh giá nhiều lần, trong đó có tăng, có giảm nhưng tăng là chủ đạo. Để “thuyết phục” ngành chủ quản, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này tiếp tục điệp khúc “đang lỗ”. Như một quy luật, sau mỗi lần than lỗ các doanh nghiệp này lại được cho tăng giá. Và, mỗi lần tăng giá, khó khăn lại bủa vây người lao động, người nghèo.

Ở thời nào cũng vậy, thường một doanh nghiệp làm ăn lợi nhuận “khủng” trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế thì người quản lý doanh nghiệp ấy thật sự là một tài năng, được nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng với cung cách làm ăn hiện nay của các “ông lớn” nói trên với số lãi khổng lồ thì liệu có bao nhiêu phần trăm là tài năng của người quản lý, nếu không có cơ chế độc quyền, quản lý còn lỏng lẻo “chống lưng”?!

Lâu nay nhiều người vẫn thường nói rằng các mặt hàng thiết yếu thuộc diện Nhà nước quản lý giá và việc điều hành dựa trên cơ sở bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nhưng thực tế cho thấy lợi ích của người dân xem ra chưa được quan tâm đúng mức.

HOÀNG ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=299
Quay lên trên