Nhằm phát huy quyền được biết, được tham gia ý kiến, kiến nghị về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân lao động (CNLĐ), thời gian qua, Công đoàn ngành Dệt may đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở thực hiện tốt nội dung quy chế dân chủ tại doanh nghiệp. Đây là cơ sở, tiền đề nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, động viên tinh thần người lao động (NLĐ) gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Từ một đơn vị điểm
Để cụ thể hóa quy chế dân chủ cơ sở, Công ty TNHH Precious Garments Việt Nam (phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một) đã thực hiện nghiêm túc hội nghị NLĐ. Tại hội nghị, lãnh đạo công ty đã thông báo với toàn thể 900 CNLĐ về kết quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm qua và phương hướng nhiệm vụ năm tới. Trên tinh thần dân chủ, trách nhiệm, CNLĐ đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng góp phần vào sự phát triển vững mạnh của công ty. Hầu hết những ý kiến, nguyện vọng của CNLĐ tập trung vào các vấn đề như việc làm, tiền lương, thu nhập, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể. Trên cơ sở 15 kiến nghị của CNLĐ, Ban Giám đốc công ty xem xét điều chỉnh, đưa vào nội quy, quy chế để phù hợp với tình hình thực tế. Điển hình như tăng lương trợ cấp cho CNLĐ làm ở bộ phận độc hại, cải thiện môi trường làm việc thông thoáng, nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca.
CNLĐ hăng hái làm việc khi được thực hiện quyền tự do dân chủ tại doanh nghiệp. Trong ảnh: CNLĐ Công ty TNHH Precious Garments Việt Nam trong giờ làm việc
Cùng với những kiến nghị của CNLĐ được công ty chấp thuận, Ban Giám đốc cũng chia sẻ một số khó khăn của doanh nghiệp để NLĐ cảm thông. Qua đó tạo mối quan hệ lao động hài hòa giữa người sử dụng lao động và NLĐ, động viên tinh thần an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Cũng qua hội nghị, công đoàn còn phát động phong trào CNLĐ giỏi sáng tạo nhằm khuyến khích, động viên CNLĐ hăng say sản xuất, nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc. Bên cạnh đó, công đoàn còn chủ động tổ chức các buổi đối thoại định kỳ vào mỗi tháng. Đặc biệt khi có vấn đề phát sinh, công đoàn phối hợp với lãnh đạo công ty tổ chức đối thoại nhanh, đối thoại đột xuất nhằm bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Hữu Trí, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Precious Garments Việt Nam cho biết: “Thời gian qua, công đoàn công ty luôn duy trì tốt hội nghị NLĐ, các buổi đối thoại định kỳ và đột xuất. Đây là một trong những hình thức dân chủ để giải quyết những vướng mắc phát sinh và trưng cầu ý kiến đóng góp của CNLĐ. Nhờ duy trì tổ chức tốt nhiều hình thức đối thoại dân chủ, đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao tinh thần lao động cống hiến của CNLĐ. Thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ, NLĐ phát huy được tinh thần làm chủ, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, phát huy sức mạnh tập thể xây dựng công ty ngày càng vững mạnh”.
Cần mở rộng
Ông Đặng Thanh Vân, Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt may cho biết, ngành Dệt may có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, hầu hết các doanh nghiệp thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho NLĐ, nhất là vấn đề tăng lương cơ bản và các khoản phụ cấp chuyên cần, nhà trọ, xăng xe. Hiện nay, lương bình quân của CNLĐ khoảng từ 3,5 triệu đến 3,8 triệu đồng/ tháng, đời sống CNLĐ ổn định, yên tâm làm việc gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, ngành Dệt may có 12 đơn vị công đoàn cơ sở tổ chức hội nghị NLĐ và 47 lượt công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại tại doanh nghiệp. Có được kết quả này, các công đoàn cơ sở đã thực hiện tốt nội dung quy chế dân chủ trong doanh nghiệp. Cụ thể đã tạo điều kiện để NLĐ được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định và giám sát những vấn đề có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của họ.
Trên thực tế, việc thực hiện quy chế dân chủ của ngành đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, giữ vững đoàn kết nội bộ. Thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ, NLĐ phát huy được tinh thần làm chủ, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, phát huy sức mạnh tập thể phục vụ hiệu quả sản xuất kinh doanh và các mặt công tác khác của doanh nghiệp. Các phong trào thi đua, hoạt động phong trào văn hóa - xã hội tiếp tục được các công đoàn cơ sở tổ chức sôi nổi, rộng khắp, như hội thi tay nghề thợ giỏi, hội thao bóng đá, hội diễn văn ghệ, tặng học bổng cho con em CNLĐ hiếu học, xây dựng quỹ tương thân tương ái… Các hoạt động đã trở thành nét đặc trưng của ngành, góp phần tạo động lực và động viên CNLĐ phấn đấu trong lao động sản xuất. Tuy nhiên trong thời gian tới, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các công đoàn cơ sở ngành cần tăng cường công tác giám sát và các nội dung tự quyết của CNLĐ.
KIM HÀ