Phát triển kinh tế tập thể: Cần phối hợp chặt chẽ để tạo động lực phát triển

Cập nhật: 03-12-2011 | 00:00:00

Phát triển kinh tế tập thể (KTTT) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM) KTTT đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân và hình thành nên sự liên kết sản xuất bền vững. Tuy nhiên để có thể thúc đẩy KTTT phát triển mạnh và đúng hướng thì việc nâng cao nhận thức của người dân cũng như có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan cần được chú trọng hơn nữa. 

Liên kết sản xuất là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong ảnh: Thu mua nông sản tại Tân Uyên

Vai trò quan trọng

Bình Dương đã chọn 30 xã để xây dựng thành công xã NTM trong năm 2020. Trong đó đã chọn 5 xã đi đầu để xây dựng thành công trong năm 2013. Trong các tiêu chí về xã NTM thì việc cần thiết phải có các hình thức phát triển KTTT là một trong những tiêu chí đóng vai trò quan trọng. Thực tế trong thời gian qua, việc phát triển KTTT đã được các cấp, các ngành chú trọng vì đây chính là hình thức quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân. Một trong những mục tiêu quan trọng của việc phát triển NTM chính là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn chính vì vậy việc phát triển các hình thức KTTT được nhiều người quan tâm. Việc phát triển KTTT hiệu quả chính là nền tảng cơ bản cho việc thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại Bình Dương. Tuy nhiên để cư dân nông thôn nhận thức đúng đắn việc phát triển KTTT theo chiều sâu và có hiệu quả thiết thực thì cần phải có một khoảng thời gian nhất định cũng như có các bước đi phù hợp.

Trong thời gian qua, trước những thay đổi mạnh mẽ của thực tiễn sản xuất và trước những yêu cầu của chương trình phát triển tam nông, các hình thức KTTT, nhất là các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tại Bình Dương đã có những bước thay đổi mạnh mẽ. Theo báo cáo của Liên minh hợp tác xã Bình Dương thì đến tháng 6-2011, toàn tỉnh Bình Dương có 99 HTX, trong đó có 7 HTX thành lập mới thuộc các lĩnh vực vận tải, tiểu thủ công nghịêp, nông nghiệp và thương mại - dịch vụ. Các HTX có tổng số vốn điều lệ lên đến hơn 160 tỷ đồng và hơn 1.378 tỷ đồng vốn hoạt động, đạt 58,33% chỉ tiêu kế hoạch năm 2011 đã đề ra. Có thể thấy, tuy các HTX đã có những cố gắng thay đổi nhưng cũng như các địa phương khác hoạt động của nhiều HTX nông nghiệp đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Một số những khó khăn cơ bản của phát triển KTTT tại Bình Dương là: các CLB, tổ hợp tác còn chủ yếu là thuần nông; ý thức thực hiện quyền và nghĩa vụ của một số HTX còn thấp, nguồn vốn còn quá ít; trình độ quản lý còn nhiều hạn chế; trong định hướng hoạt động, việc lập phương án sản xuất, kinh doanh và tài sản bảo đảm vốn vay ở một số HTX chưa đáp ứng yêu cầu; việc áp dụng và đưa khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế...

Cần nâng cao nhận thức người dân

Có thể thấy với những tập quán sản xuất cũ theo kiểu manh mún nhỏ lẻ thì việc kêu gọi nông dân liên kết trong sản xuất hình thành nên các hình thức KTTT là rất khó khăn. Để có thể thúc đẩy KTTT phát triển bền vững, góp phần nâng cao mức sống của người dân cũng như tạo động lực để xây dựng thành công xã NTM thì việc thông tin, tuyên truyền để mọi người dân nhận thức đúng vai trò, nội dung và mục tiêu của hoạt động KTTT cần được đẩy mạnh hơn nữa. Phải làm cho mọi người tự nhận thức được quyền lợi, nghĩa vụ và tự nguyện tham gia vào HTX; phải có sự bàn bạc dân chủ và tính toán cho công bằng hợp lý trong quá trình hình thành và tổ chức sản xuất. Ông Trần Đình Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng cho rằng, tại xã Long Tân có các nghề nuôi cá nước ngọt, nuôi bò sữa cũng như hoạt động sản xuất cao su có tiềm năng phát triển nhưng việc liên kết sản xuất trong nông dân còn yếu nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu trong quá trình xây dựng xã NTM, Long Tân hình thành được các tổ hợp tác hoặc các HTX nông nghiệp thì đó chính là động lực để xây dựng thành công xã NTM cũng như nâng cao thu nhập cho người dân.

Hiện tại những khó khăn của việc phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh bắt nguồn từ những nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Tuy nhiên có hể thấy tiềm lực phát triển KTTT trên những địa bàn nông thôn của Bình Dương là còn rất lớn. Việc phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng đã nhận được những sự hỗ trợ hết sức thiết thực và kịp thời. KTTT mà trong đó vai trò quan trọng của các HTX trong thời gian qua đã góp phần mang lại những thay đổi lớn trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn Bình Dương cũng như hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho các thành phần kinh tế khác phát triển. Trong thời gian tới, với việc đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM, KTTT nhất là việc hình thành nên các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp cần được chú trọng mạnh hơn nữa để phát huy vai trò quan trọng của KTTT trong việc nâng cao đời sống vật chất của cư dân nông thôn và quan trọng hơn nữa là tạo nên nền tảng quan trọng cho việc thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn Bình Dương.

ĐÀ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên