Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, từ đầu năm đến nay, nhiều ổ dịch cúm gia cầm vẫn xuất hiện ở một số địa phương và đã ghi nhận được 2 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) trên người, trong đó một trường hợp tử vong. Còn theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) các mẫu giám sát tại Ninh Thuận cho thấy 100% chim yến chết đều dương tính với cúm A(H5N1). Trong khi đó, tại nước láng giềng chúng ta là Trung Quốc dịch cúm A(H7N9) đang hoành hành. Một “điểm nóng” khác, tại miền Bắc, dịch cúm A(H1N1) đã xuất hiện, ít nhất đã có 3 trường hợp tử vong do cúm A(H1N1) được ghi nhận từ đầu tháng 4 đến nay. Trước tình hình diễn biến phức tạp của các loại cúm A nói trên, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch liên ngành phòng, chống dịch cúm này. Bộ cũng sẽ đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ thuốc kháng virus trang bị phòng hộ từ nguồn dự trữ của khu vực.
Như vậy, có thể nói việc phòng chống, ngăn chặn các loại dịch cúm trên người và trên gia cầm đang là chuyện nóng như “dầu sôi, lửa bỏng” cần sự phối hợp đồng bộ, kịp thời của các cấp, các ngành chức năng, các địa phương, người chăn nuôi và cần sự vào cuộc của cả cộng đồng…
Tại Bình Dương, qua thống kê hiện có khoảng trên 5 triệu gia cầm. Thật đáng mừng, từ đầu năm đến nay, tỉnh ta chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A trên người cũng như dịch cúm trên gia cầm. Tuy nhiên, là một tỉnh có số dân nhập cư cao, cùng với sự giao thương, đi lại, vận chuyển trong cộng đồng, nhất là những vùng có dịch nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao, đặc biệt là dịch bệnh cúm A(H1N1), bởi dịch bệnh này có thể lây từ người sang người. Những thói quen “chết người” trong xử lý vật nuôi chết trong dân gian, nhất là ở nhiều vùng nông thôn cần triệt để loại bỏ. Đó là thói quen tiếc của, gia cầm chết lại mang đi làm thịt ăn hoặc vứt đại xuống các sông, hồ, kênh rạch, hoặc giấu dịch sợ bị phát hiện sẽ bị tiêu hủy cả đàn,…2 ca bệnh cúm A(H5N1) được phát hiện ở Đồng Tháp và Long An nói trên đều có tiếp xúc với gia cầm bệnh. Vì thế công tác truyển thông, tuyên truyền trong cộng đồng dân cư cần được thực hiện thường xuyên. Mỗi người cần tích cực phòng chống dịch bệnh là để bảo vệ sức khỏe, bản thân, gia đình và cộng đồng dân cư xung quanh. Vấn đề cần thiết hiện nay là người chăn nuôi cần tích cực hợp tác với ngành chức năng trong phòng, chống dịch, khi mua, sử dụng gia cầm phải tìm hiểu nguồn gốc, khi phát hiện gia cầm có triệu chứng bệnh thì báo ngay với ngành chức năng để xử lý kịp thời…
DÂN THƯỜNG