Thẳng thắn, hiệu quả và chất lượng

Cập nhật: 25-11-2011 | 00:00:00

Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đã tạo được ấn tượng với cử tri cả nước.

Nét mới của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong kỳ họp này là các đại biểu hỏi theo 9 nhóm vấn đề có tính vĩ mô trong các lĩnh vực Giao thông, Giáo dục, Nông nghiệp, Tài chính và hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, giá cả một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu. Nhờ vậy, các Bộ trưởng đã chủ động trong việc trả lời trực tiếp các câu hỏi đại biểu đặt ra.

  Các đại biểu chất vẫn lãnh đạo các cơ quan của Chính phủ tại nghị trường Là người có kinh nghiệm trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã trả lời khúc chiết, thỏa mãn sự quan tâm của đại biểu và cử tri khi nêu quyết tâm giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa, chấm dứt cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng, đầu tư cho tam nông.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng dù vẫn còn một ít lúng túng khi lý giải về tình trạng gia tăng tai nạn giao thông mà ông gọi là quốc nạn, tình trạng ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, chất lượng công trình giao thông chưa đảm bảo, quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông còn bất cập… nhưng nhìn chung, dư luận vẫn ghi nhận sự nhiệt tình, tính quyết đoán khi ông giải quyết một số trì trệ trong ngành mình và đề xuất các phương án giảm tai nạn, giảm ùn tắc giao thông.

Mục tiêu từ năm 2012, mỗi năm giảm từ 5-10% số vụ tai nạn giao thông, tuy chưa thỏa mãn sự mong đợi nhưng hoàn toàn có thể thông cảm được vì đây là bài toán khó, phụ thuộc vào rất nhiều ngành, địa phương và nhiều yếu tố khác.

Được đánh giá cao nhất là phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ về công tác điều hành giá điện, than, xăng dầu…. cùng tác động đến sản xuất, đời sống người dân.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng đã làm đại biểu và cử tri cả nước hài lòng khi trả lời về công tác điều hành chính sách tiền tệ, các giải pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nhằm giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, đảm bảo nguồn vốn cho nền kinh tế, chống lạm phát nhưng không làm kinh tế trì trệ, đổ vỡ…

Một số vấn đề nóng của Ngành GD-ĐT như chất lượng giáo dục các bậc học, tình trạng thiếu sâu sát trong quản lý đào tạo bậc đại học, dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, tình trạng dạy thêm học thêm, lạm thu trong trường học… cũng đã được nêu ra và trả lời.

Tuy chưa thỏa mãn nhưng nhìn chung phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng cho thấy sự nỗ lực của ngành này trong bối cảnh có quá nhiều tồn tại, khó khăn.

Có thể thấy sự điều hành chủ động, linh hoạt và quyết đoán của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã giúp việc chất vấn và trả lời chất vấn ngắn gọn hơn, đúng trọng tâm hơn. Sự phối hợp, “chia lửa” kịp thời của các Bộ trưởng liên quan cũng làm cho nhiều vấn đề được lý giải thấu đáo hơn.

Phần phát biểu và trả lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi chốt phiên chất vấn đã làm rõ thêm một số vấn đề về công tác điều hành của Chính phủ nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2012 và những năm tiếp theo; Vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế; Thực hiện 3 khâu đột phá (là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng) và công tác giảm nghèo.   

Vẫn biết khó có thể giải quyết thấu đáo mọi vấn đề còn tồn tại, lại mang tầm vĩ mô của đất nước chỉ trong 2,5 ngày trên nghị trường, nhưng đồng bào, cử tri cả nước vẫn đặt kỳ vọng vào Chính phủ và các thành viên Chính phủ không dừng lại ở việc thẳng thắn nhận trách nhiệm mà phải cam kết, giữ lời hứa với cử tri, có chương trình hành động cụ thể, quyết liệt với những giải pháp tích cực mang tính đột phá để nhanh chóng xoay chuyển tình hình, đưa đất nước tiếp tục phát triển.

“Chúng ta không thiếu chủ trương và giải pháp, mà là thiếu quyết tâm”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói như vậy khi phát biểu kết thúc phần chất vấn.

Thiếu quyết tâm, mục tiêu giữ 3,8 triệu ha đất lúa sẽ khó thực hiện, chất lượng giáo dục sẽ không lên, các giải pháp chống ùn tắc giao thông chỉ nằm trên giấy, chuyện kinh doanh điện, xăng dầu, ngân hàng sẽ khó minh bạch.

Thiếu quyết tâm, các giải pháp cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ sẽ khó thành công.

Vì vậy, các đại biểu Quốc hội sau khi chất vấn, cần giám sát chặt chẽ, thường xuyên hoạt động của Chính phủ và chính quyền các cấp, để những vấn đề đã chất vấn và được trả lời, được cam kết mang lại hiệu quả thiết thực cho đất nước.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=198
Quay lên trên