Giá điện năm 2012 vẫn tăng nhưng ở mức kiềm chế

Cập nhật: 25-11-2011 | 00:00:00

 Trước những câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội tập trung vào vấn đề quản lý và điều hành giá điện, chiều 24-11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định: Việc quản lý giá luôn kiên trì nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tức phải tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp, các khoản hạch toán chi phí hợp lý vào trong giá thành, bảo đảm các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế có mức lãi phù hợp.

Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, trong lĩnh vực về điện, nhu cầu điện cho đất nước rất lớn, nếu không có mức giá phù hợp thì sẽ không thu hút được đầu tư trong nước và nước ngoài. Và nếu vậy, kịch bản căng thẳng vì điện, thiếu điện sẽ không thể giải quyết được. Bộ trưởng cũng khẳng định, yếu tố thị trường không ngăn cản, mâu thuẫn gì với việc Nhà nước quản lý về giá. Nhà nước quản lý giá trên cơ sở xây dựng pháp luật, chế độ chính sách, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện. Những mặt hàng cần bình ổn hoặc định giá, Nhà nước sẵn sàng thực hiện để bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cho người nghèo, thu nhập thấp được trợ giá. Đối với hộ sử dụng điện ở mức trung bình, phải bảo đảm tăng giá đối với đối tượng này phải thấp hơn mức tăng giá bình quân chung trong khi điều hành giá điện.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, về điều hành giá điện năm 2012, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương ngồi với nhau để tính toán một kịch bản. Theo đó, một số nét khái quát tạm thời được hai bộ này và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra là: Cơ bản lấy theo giá thành sản xuất của 2011, các chi phí đầu vào và chênh lệch lấy theo ngày 15-9-2011, các hợp đồng mua bán điện giữ như hiện hành. Chưa phân bổ các chi phí còn lại của năm 2010 của EVN, theo đó, giá thành của điện sẽ là 1.242 đồng, tăng 4,6% so với giá bán điện hiện nay.   “Giá điện năm 2012 vẫn tăng nhưng ở mức kiềm chế. Toàn bộ giá điện bán cho hộ nghèo và hộ thu nhập thấp vẫn giữ nguyên như hiện nay, kể cả khoản hỗ trợ 30.000 đồng từ ngân sách. Đối với hộ tiêu thụ trung bình, việc tăng giá được chú ý sao cho thấp hơn giá tăng bình quân chung”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định.

Về câu hỏi: Có hay không chuyện ép giá, nguy cơ phá sản của một số doanh nghiệp kinh doanh điện? Bộ trưởng Vương Đình Huệ thừa nhận thực tế có thật. Theo bộ trưởng, ngoài nhóm mà EVN phải mua điện giá cao, thì còn có việc EVN mua điện giá thấp, mà phần lớn là của thủy điện và các thành phần kinh tế khác. Những hợp đồng điện ký kết giữa hai bên hoàn toàn theo nguyên tắc thị trường (đã thảo luận và ký 40 năm không điều chỉnh giá). Tuy nhiên, đến thời điểm này, do chênh lệch tỷ giá và lãi suất cao, giá mua của EVN không đủ bù đắp cho các doanh nghiệp này.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tính toán từng bước điều chỉnh sự bất hợp lý này cho các doanh nghiệp bán điện giá rẻ. Giữa EVN và các đối tác phải ngồi lại thương thảo với nhau, có Bộ Công Thương và Bộ Tài chính tham gia.

“Quan trọng là dùng nguồn nào để xử lý khoản tài chính này, để bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, vì việc phát điện của các nhà máy này cũng rất quan trọng, ảnh hưởng đến lượng điện thương phẩm cung cấp cho nền kinh tế quốc dân”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên