Thêm cơ hội cho hàng Việt

Cập nhật: 26-08-2020 | 08:42:44

Hơn 10 năm qua kể từ khi thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay người tiêu dùng đã ý thức được lợi ích và chuyển sang dùng hàng do doanh nghiệp “nội” sản xuất, thay vì “sính” hàng ngoại như trước đây. Khi cuộc vận động được phát động và triển khai rộng khắp, người tiêu dùng được tiếp cận nguồn hàng hóa phong phú, chất lượng cao, do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, với giá bán phù hợp thì thói quen tiêu dùng đã thay đổi. Hiện tại, hàng Việt đã lên ngôi trên thị trường từ thành thị đến vùng nông thôn. Điều đó đã khẳng định sự thành công của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã xác định được vị trí, tầm quan trọng của thị trường nội địa, để có chiến lược bài bản về phân phối, tiếp thị, quảng cáo… và nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm để từng bước chinh phục người tiêu dùng. Ngược lại, sự tin tưởng của người tiêu dùng đã thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, tạo việc làm cho người lao động thông qua các doanh nghiệp sản xuất và hệ thống phân phối sản phẩm. Và, mẫu mã, chất lượng và giá thành sản phẩm đóng vai trò rất quan trọng, đó là cơ sở bền vững để hàng Việt tạo được niềm tin của khách hàng.

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp trên thế giới. Tuy nhiên, ở nước ta dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tốt, hoạt động kinh tế - xã hội dần đi vào ổn định. Cũng vì dịch bệnh mà lượng hàng hóa nhập khẩu bị ảnh hưởng. Trong khi đó, sau thời gian ngừng giãn cách xã hội, nhu cầu mua sắm hàng hóa bắt đầu có nhiều dấu hiệu hồi phục. Đây là cơ hội để hàng Việt tiếp cận gần hơn đến người tiêu dùng, nhất là các mặt hàng có thế mạnh như nông sản, thực phẩm, thời trang, hàng tiêu dùng... Hơn nữa, với nhiều điểm ưu việt như giá cả hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã được cải tiến, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hàng Việt ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Do đó, thị phần hàng Việt có xu hướng gia tăng ở các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống và thị trường vùng nông thôn sau thời gian dịch bệnh Covid-19.

Thiết nghĩ trong thời điểm khi dịch bệnh được khống chế, các doanh nghiệp trong nước và hệ thống bán lẻ cần tiếp tục có kế hoạch phối hợp tổ chức và duy trì các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ thương mại, phiên chợ, điểm bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Đây cũng là những cách làm thiết thực để nắm bắt cơ hội, giúp hàng Việt tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.

 NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=755
Quay lên trên