Thí điểm phân loại rác tại nguồn

Cập nhật: 26-03-2015 | 09:06:25

Với tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa cao, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh tăng đều qua các năm. Hàng ngày, Bình Dương thải ra khoảng 1.100 tấn chất thải rắn sinh hoạt với thành phần, bao gồm chất thải hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học (67,25%), giấy và carton (6,7%), nylon và nhựa (6,8%), kim loại (0,46%) còn lại là các thành phần khác. Nếu toàn bộ lượng chất thải này được mang đi chôn lấp thì tương lai Bình Dương sẽ phải đối mặt với việc thiếu quỹ đất dành cho chôn lấp và lãng phí tài nguồn tài nguyên của chất thải.

 Chất thải rắn y tế nguy hại được phân loại mỗi ngày

Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc tăng cường công tác tái chế chất thải hướng đến năm 2020, tỷ lệ chất thải rắn mang chôn lấp chỉ còn 10%, những năm qua, Bình Dương đã tiến hành đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống làm phân vi sinh (phân compost) với công suất 420 tấn/ngày và đang chuẩn bị đầu tư xây dựng hệ thống thứ hai với công suất 420 tấn/ngày đưa tổng công suất làm phân compost của tỉnh lên 840 tấn/ ngày. Quá trình vận hành hệ thống làm phân vi sinh cũng cho thấy việc tiếp nhận lượng rác không phân loại đã gây khó khăn trong công tác phân loại và làm gia tăng chi phí sản xuất.

Nhằm tiết kiệm nguồn tài nguyên từ chất thải, giảm chi phí chế biến phân vi sinh, năm 2015, Bình Dương sẽ triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn, trong đó tập trung vào các đối tượng, như trung tâm thương mại, siêu thị; khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu vực cơ quan hành chính, khối văn phòng; trường học; trung tâm y tế, bệnh viện; khách sạn, nhà nghỉ; khu dân cư.

Lượng rác phát sinh tại nguồn sẽ được phân làm 2 loại (rác hữu cơ và phần còn lại) được chứa vào hai thùng chứa có màu sắc khác nhau và được thu gom riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xử lý, tái chế sau này. Qua quá trình thí điểm, các chính sách, quy định sẽ được xây dựng và ban hành nhằm giải quyết các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình triển khai, như bài toán “quyền lợi” giữa chủ nguồn thải, chủ thu gom và chủ xử lý; cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho thu gom, vận chuyển và xử lý; cách nghĩ, thói quen và cách làm của người dân…, để triển khai trên diện rộng vào năm 2016, từ đó góp phần xây dựng một “Bình Dương xanh”, một đô thị văn minh và hiện đại.

 

 CCBVMT

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên