Thương hiệu hàng Việt trước nguy cơ “hồn Trương Ba, da hàng thịt”

Cập nhật: 01-11-2019 | 08:15:51

Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) đã nêu lên một quan ngại khi các thương hiệu lớn của hàng Việt lần lượt bị thâu tóm: “Khi về tay nhà đầu tư ngoại, dù nó có mở rộng thị trường đến mức nào đi chăng nữa nhưng thương hiệu đó có còn bản chất hàng Việt với bao tâm huyết, tự hào như lúc được khai sinh của những ngày đầu khởi nghiệp hay nó chỉ đơn thuần là “hồn Trương Ba, da hàng thịt?”.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân: Khi về tay nhà đầu tư ngoại, thương hiệu Việt có còn bản chất hàng Việt hay chỉ đơn thuần là “hồn Trương Ba, da hàng thịt?”

 

Thương hiệu lớn nối gót ra đi

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, năm 1995 đánh dấu thời điểm thương hiệu Kem đánh răng Dạ Lan biến mất khỏi thị trường, mở ra thời kỳ người Việt bắt đầu làm quen với khái niệm M&A (mua bán sáp nhập). Nối gót Dạ Lan là hàng loạt thương hiệu như P/S, Phở 24, X-Men, Bia Sài Gòn, Kinh Đô, Nhựa Bình Minh, Giấy Sài Gòn… trong đó không ít thương hiệu chỉ vài năm trước còn đứng trên bục vinh danh thương hiệu quốc gia… Bản danh sách này chưa có dấu hiệu dừng lại ngay cả khi đất nước đang khát các thương hiệu lớn.

“Trong lúc nền kinh tế còn quanh quẩn với hơn 90% doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ, thì việc bán đi những nguồn nội lực trọng yếu có bảo đảm tinh thần DN tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế?”, ông Nhân nêu vấn đề và bày tỏ lo ngại: “Những ngày đầu tháng 7, Big C thông báo tạm dừng thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp nội địa xem ra chỉ là một trong những phép thử, tiếp sau đó hàng loạt nhãn hàng Việt phải rút khỏi hệ thống bán lẻ nhường lại cho hàng nhập khẩu của nhà phân phối ngoại. Động thái trên của họ không chỉ cho thấy sự phụ thuộc của các nhà sản xuất nội vào kênh phân phối ngoại mà còn làm cho hàng Việt có nguy cơ mất dần chuỗi phân phối ngay trên sân nhà. Nhập siêu 3,5 tỷ đô la từ Thái Lan trong 8 tháng đầu năm có phải nguyên nhân từ đây?”.

“Ngoại hóa” âm thầm, phức tạp

Đại biểu Phạm Trọng Nhân phân tích: Không chỉ dừng lại ở các nhãn hàng nhu yếu phẩm… M&A đang dần chạm vào lõi của nền kinh tế qua thương vụ SSJ mua 29,7 triệu cổ phần của Gamedept, qua đó đạt 10% cổ phần biểu quyết đã bắt đầu cho thấy quy mô, tính chất phức tạp của vấn đề. Sau thương vụ này, dự án cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam được tái khởi động, từ đây không tránh khỏi nguồn lực tài nguyên đất nước bị khai thác trong khi lợi nhuận phần lớn được đưa về chính quốc. Đáng chú ý, tổng số DN logistics ngoại không tới 3% nhưng lại chiếm gần 80% thị phần. Từ logistics đến dịch vụ tài chính, năng lượng, những ngành được dự báo sẽ bùng nổ M&A trong thời gian tới đã ngày càng manh nha các yếu tố chi phối mạnh mẽ của nhà đầu tư ngoại lên xương sống của nền kinh tế.

“Từ 2009 đến 2018, trung bình mỗi năm có 400 giao dịch với tổng giá trị thương vụ đạt 48,8 tỷ đôla. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-10, tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài đạt hơn 29 tỷ đôla, trong đó vốn góp, mua cổ phần là 10,8 tỷ đôla, đã cho thấy xu hướng “ngoại hóa” DN Việt vẫn âm thầm diễn biến mạnh mẽ và phức tạp”, ông Nhân nói.

Ông Nhân cho rằng, một trong những nguyên nhân gán cho tình trạng M&A thời gian qua được nêu đích danh là khó khăn về vốn, trong khi đó việc tiếp cận tài chính lẫn đất đai của DN tư nhân hầu như không dễ. Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương tại Diễn đàn DN tư nhân năm 2019 nêu tỷ trọng tín dụng dành cho khu vực này giảm từ mức 60% tổng dư nợ năm 2011 xuống còn 41% năm 2017. Mặt khác, các DN Việt hiện tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, 70,2% DN đồng tình với nhận định “hợp đồng, đất đai, các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các DN có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh”. Bên cạnh đó, việc tăng giá điện thời gian qua cũng đè một áp lực không nhỏ lên sức chịu đựng của không ít DN…

Cần một giải pháp tổng thể

Cũng theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, đến nay chưa có giả thuyết nào là đúng nhất cho tình trạng các thương hiệu Việt tầm cỡ “đội nón ra đi”, bởi do khó khăn nguồn lực tài chính phải bán, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh sinh lời cũng bán, hay nó không chỉ đơn giản là tái cấu trúc DN, mở rộng thị trường như không ít bao biện thời gian qua. Khi về tay nhà đầu tư ngoại, dù có mở rộng thị trường đến mức nào đi chăng nữa nhưng thương hiệu đó có còn bản chất hàng Việt với bao tâm huyết, tự hào như lúc được khai sinh của những ngày đầu khởi nghiệp hay chỉ đơn thuần là “hồn Trương Ba, da hàng thịt”, mà một thương hiệu bia vừa bị thâu tóm sau thoái vốn là một điển hình? Không ít DN bán đi thương hiệu quy trách nhiệm cho thể chế chưa là bệ đỡ cho doanh nhân. Còn xã hội lại trăn trở doanh nhân chưa có tinh thần tự tôn dân tộc. Bên cạnh đó, cổ phần hóa, thoái vốn các DN hiệu quả vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. “Trong khi sự đổ lỗi và quy trách nhiệm còn chưa có hồi kết thì đáng quan tâm hơn đó chính là tiền đồ của đất nước ít nhiều ảnh hưởng do mất đi những nguồn lực nội sinh, điều mà xã hội đã và đang nỗ lực kiếm tìm, ra sức ươm mầm, khởi nghiệp, kiến tạo cho một tương lai bền vững, để không còn phụ thuộc, nhưng rồi lại bán đi những nguồn lực nội tại khi chỉ vừa đơm một ít quả ngọt cho nền kinh tế”, đại biểu trăn trở.

Ở một chiều hướng khác, theo ông Nhân, với hơn 70% xuất khẩu thuộc về các DN FDI, do đó sự lớn mạnh của chủ thể kinh tế này trong thời gian tới mà bệ phóng là các FTA sẽ ngày càng khoét sâu khoảng cách với các DN nội. “Trong tình cảnh yếu thế đó của các DN trong nước, liệu có tạo thêm điều kiện cho các vụ thôn tính hay không?”, ông Nhân bày tỏ lo ngại và khuyến cáo: “Từ việc dòm ngó của nhà đầu tư nước ngoài đối với các thương hiệu Việt, thâu tóm các thương hiệu đình đám sau cổ phần hóa đến các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đỡ đầu cho các ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp, trong đó khó tránh khỏi khả năng trong tương lai các quỹ này sẽ thâu tóm các thương hiệu mà nó đỡ đầu thì ý kiến cho rằng, chúng ta đang tạo nền móng cho người khác xây nhà không phải không có lý, bởi từ sản xuất, lưu thông đến phân phối thì trên bình diện nào cũng chứng kiến sự lớn mạnh của FDI”.

Trước thực trạng này, theo đại biểu, giải pháp không chỉ gói gọn ở một hay hai chính sách cụ thể mà thuộc về giải pháp tổng thể trong đề án cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó quan trọng nhất phải đặt Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế song hành với Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 để vừa gia cố sức mạnh cho DN Việt, vừa cơ cấu lại đầu tư nước ngoài trên nền tảng nhất quán nâng cao tính độc lập và tự chủ của nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng. 

“Hơn hai năm qua, Dạ Lan đang trầy trật trên đường tìm lại hào quang của nhiều thập kỷ trước trong một cuộc trở về không hề dễ dàng với niềm tin duy nhất “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Quy luật cung cầu của kinh tế thị trường là điều không nên bàn cãi, tuy nhiên khi nguồn lực nội sinh còn yếu và thiếu bền vững, thì việc bán đi các trụ cột có khả năng dẫn dắt các DN khác làm cho sự phân mảnh và rời rạc trong hệ thống DN tư nhân ngày càng lớn. Không những thế, làn sóng các nhà đầu tư ngoại đang âm thầm góp vốn, mua cổ phần còn làm cho các DN nội cùng ngành vốn đã yếu nay tiếp tục giảm dần sức cạnh tranh, dẫn đến thua lỗ thì xem ra còn không ít chông gai để DN tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế...”.
(Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân)

T.THẢO  (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên