Trân trọng và chăm lo “nguồn vốn quý” - Bài 2

Cập nhật: 16-09-2020 | 07:47:38

Bài 2: Nâng cao chỉ số đào tạo lao động

 Năm 2017, chỉ số đào tạo lao động Bình Dương chỉ xếp hạng 35/63 tỉnh, thành trong cả nước, nhưng đến năm 2019, Bình Dương đứng vị trí thứ 6 với 7,41/100 điểm thuộc nhóm “Tốt” và luôn đạt mức điểm cao cho đến nay. Điều đó phản ánh bức tranh sống động trong đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, phục vụ đắc lực cho thu hút đầu tư của tỉnh.

 Lớp học đào tạo nghề điện tử công nghiệp tại trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore

 Khắc phục hạn chế, khuyết điểm

Chỉ số đào tạo lao động là một trong 10 chỉ số thành phần để đánh giá, xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Trong tổng thể, PCI phản ánh chất lượng điều hành các lĩnh vực kinh tế thuộc thẩm quyền của chính quyền tỉnh, thành phố trong cả nước do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện. Năm 2017, chỉ số lao động của tỉnh đạt 6,35 điểm, xếp hạng 35/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Trước thực trạng đó, lãnh đạo, cán bộ các sở, ngành, đặc biệt là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH ) đã tập trung nghiên cứu, phân tích cặn kẽ 11 chỉ số thành phần đào tạo lao động trong năm 2017 này. Cụ thể, trong 11 chỉ số có 5 tiêu chí tăng điểm và 6 tiêu chí giảm điểm. Nhìn nhận thực tiễn này, ông Phạm Văn Tuyên, PhóGiám đốc SởLĐ- TB&XH tỉnh cho biết: “Năm 2017 Chỉ số giảm nguyên nhân chủyếu làhoạt động liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa đi vào chiều sâu, mới đáp ứng nhu cầu về tham quan kiến tập, thực tập của học sinh, sinh viên. Hơn nữa công tác tuyển sinh học nghề chưa đạt hiệu quả, chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức của người học, chất lượng đào tạo chưa cao nên chưa thu hút người học. Trong khi đó, doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa chú trọng vào sản phẩm dạy nghề, họchưa thấy được quyền lợi của mình trong việc sử dụng sản phẩm này”.

Hạn chế trong đào tạo, nâng cao chất lượng lao động đã được UBND tỉnh nhìn nhận trong “Đề án bảo đảm nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020 và đến năm 2025”. Đề án nêu rõ: Những năm qua, đội ngũ lao động có tay nghề tăng lên, chất lượng bước đầu đã có sự cải thiện, tuy nhiên, tỷ lệ lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp vẫn còn thấp so với tổng số lao động của tỉnh. Số lượng lao động có chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề còn ít, thiếu lao động có chuyên môn kỹ thuật cao. Vì vậy để bảo đảm nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đã chung tay vào cuộc, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Toàn tỉnh đã dấy lên phong trào đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Sở LĐ-TB&XH là đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Sở phối với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch phân luồng học sinh THCS học nghề, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh thường xuyên liên hệ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên. Trong khi đó, Sở Nội vụ xây dựng chính sách thu hút đội ngũ giáo viên có tay nghề cao về công tác tại các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh. Báo Bình Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương phối hợp với Sở LĐ- TB&XH tổ chức tuyên truyền các thông tin về học nghề trên chuyên mục Dạy nghề - Việc làm, Giáo dục hướng nghiệp…

Phấn đấu đạt tỷ lệ 90% vào năm 2025

Từ phong trào đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập khắp nơi trong tỉnh. Công tác đào tạo hàng năm luôn đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra, công tác phân luồng tốt hơn, tỷ lệ học sinh từ lớp 9 vào học nghề đã tăng lên, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2019 đạt 78%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 28%. Cuối năm 2019, chỉ số thành phần đào tạo lao động của Bình Dương đứng thứ 6/63 tỉnh, thành trong cả nước, góp phần đưa Bình Dương đứng vị trí thứ 13 toàn quốc trong bảng xếp hạng PCI năm 2019, với 67,38/100 điểm, thuộc nhóm “Tốt” và là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2019 khu vực Đông Nam bộ.

Ông Phạm Văn Tuyên cho biết thêm, phấn đấu đến năm 2025, mỗi năm tỉnh sẽ giải quyết việc làm tăng thêm khoảng 45.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%, trong đó có văn bằng chứng chỉ là 40% và dự kiến đào tạo khoảng 200.000 người. Để đạt mục tiêu này, Sở LĐ- TB&XH, đơn vị thường trực tham mưu UBND tỉnh, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt nguồn lao động có tay nghề vì đây là nền tảng vững chắc giúp hiện thực hóa mô hình thành phố thông minh, làm cho tỉnh trở thành một nơi đáng sống và làm việc. Song song đó, tỉnh cũng xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tham mưu xây dựng từ 2 - 3 trường cao đẳng có chất lượng tầm khu vực và quốc tế; thường xuyên tổ chức các hội thảo dạy nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, tìm ra các ngành nghề cần đào tạo, ưu tiên phát triển các nghề trọng điểm từ đó xây dựng Đề án bảo đảm nguồn lao động có tay nghề trong thời gian tới. Ngành cũng xây dựng quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Khuyến khích các nhà giáo đang giảng dạy tại các trường nghề tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, tìm giải pháp công nghệ tốt nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh hoạt động tốt hơn. Ngoài ra, ngành cũng tăng cường thực hiện các chương trình đào tạo khởi sự, quản trị doanh nghiệp cho các em học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường cao đẳng, trung cấp...

 Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 100 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 8 trường cao đẳng, 12 trường trung cấp, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, còn lại là các cơ sở khác đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tính đến tháng 5-2020, toàn tỉnh tuyển sinh được hơn 188.000 học viên. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng và đã đào tạo được hơn 8.800 học viên, trong đó nhóm ngành nông nghiệp là gần 2.400 học viên, nhóm ngành phi nông nghiệp là hơn 6.400 học viên...

 KIM HÀ  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên