Trở lại câu chuyện chiếc mũ bảo hiểm

Cập nhật: 08-03-2013 | 00:00:00

Chiếc mũ bảo hiểm (MBH) lại trở thành đề tài nóng bỏng cho dư luận bàn tán khi Thông tư liên tịch của 4 bộ (Khoa học - Công nghệ, Giao thông - Vận tải, Công an và Công Thương) quy định về sản xuất, kinh doanh (SXKD) và sử dụng MBH, dự kiến có hiệu lực vào tháng 4 tới. Theo đó, các hành vi SXKD và cả sử dụng MBH không bảo đảm quy chuẩn, chất lượng sẽ bị phạt nặng. Một chuyện thường ngày giống như... chiếc MBH đã gắn bó thiết thân với người đi đường từ nhiều năm qua, bỗng được “khuấy động” lên, đã cho thấy nhiều điều.

Điều đáng chú ý đầu tiên, theo nhận định của Ban An toàn giao thông quốc gia, có đến khoảng 70% MBH hiện đang lưu hành là chưa đạt chuẩn. Một con số thống kê về tỷ lệ kém an toàn tuy khá cao nhưng không quá bất ngờ, bởi thực tế mà bất cứ ai cũng dễ dàng nhận ra trong thời gian qua là tình trạng MBH kém chất lượng được bày bán khá tràn lan và dễ dãi tại rất nhiều nơi. Không khó để tìm mua những chiếc MBH giá “bèo” tại các lề đường với giá chỉ từ 30.000 đồng/chiếc, trong khi theo ước tính của các nhà sản xuất MBH uy tín thì giá thành thấp nhất của mỗi chiếc MBH đạt các yêu cầu đề ra đã không dưới 150.000 đồng. Cùng với việc khó nhận diện MBH đạt chất lượng hoặc tâm lý đội MBH chỉ để “đối phó” với cảnh sát giao thông là chính trong một bộ phận không nhỏ người đi đường thì tình trạng trên cũng đủ lý giải vì sao “đất sống” của MBH kém chất lượng ngày càng nở rộ.

Vẫn theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, từ thực tế đặt ra vấn đề chất lượng của MBH phải được quan tâm nhiều hơn, cụ thể là sẽ có một chiến dịch truyền thông diễn ra trên toàn quốc kéo dài trong 1 tháng (từ ngày 15-3 đến 15-4-2013) nhằm giúp người dân hiểu rõ tác hại của MBH giả; hành vi đội MBH giả cũng bị xử phạt như không đội MBH. Kể từ ngày 15-4, các lực lượng chức năng sẽ xử phạt nghiêm hành vi SXKD và sử dụng MBH giả. Công việc này bước đầu sẽ thực hiện tại các thành phố lớn, sau đó rút kinh nghiệm và thực hiện trên toàn quốc... Nói cách khác, câu chuyện về chất lượng MBH vốn không mới mẻ gì, bây giờ sẽ phải được “nhắc” lại và “làm mới” lại dưới nhiều hình thức nhằm mục đích tăng cường nhận thức của người dân.

“Người tiêu dùng thông minh”, “Người tiêu dùng thông thái” - những cụm từ này đã được dùng khá nhiều để vận động người dân chủ động tìm hiểu, trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để tránh bị “lừa dối”. Tuy nhiên, cho dù người tiêu dùng có “thông thái” mấy mà thiếu sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng thì cũng khó mang lại hiệu quả vì chỉ mới giải quyết phần ngọn mà chưa ngăn chặn triệt để cái gốc ở chỗ SXKD MBH dỏm, kém chất lượng. Có thêm những văn bản, quy định để quản lý chiếc MBH nhằm bảo đảm an toàn cho người dân cũng là cần thiết, nhưng nếu chỉ tuyên truyền nâng cao nhận thức người tiêu dùng mà không thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý, xử lý MBH kém chất lượng thì là một lỗ hổng. Thậm chí, các quy định chế tài, xử lý MBH dỏm hiện không thiếu, do vậy mới đây nhiều ý kiến cho rằng trước tiên cần xem xét trách nhiệm của lực lượng quản lý, kiểm soát việc SXKD MBH vì sao để MBH dỏm tràn lan trong thời gian qua. Điều này tiếp tục khẳng định rằng, việc chấn chỉnh, bảo đảm cho chiếc MBH thực sự chất lượng rất cần được thực hiện một cách đồng bộ chứ không chủ quan trông cậy vào trình độ “thông thái” của người tiêu dùng. Có như vậy, vấn đề cũ về câu chuyện cũ mới không trở thành điệp khúc “nói mãi”.

 Q.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=344
Quay lên trên