Văn hóa hành hương

Cập nhật: 06-02-2012 | 00:00:00

Rước về gió thoảng, giọng chuông ngân

Để niềm tin mãi cười vui vẻ

Cho nỗi nhớ thôi khóc ngại ngần

Giận dỗi, hờn ghen đà tắt lịm...

Yêu thương, quý mến cũng tăng dần!

Những câu thơ của bài thơ Lễ chùa nhắc đến không khí vừa trang nghiêm vừa ý nghĩa tu thân từ lễ hội hành hương đầu xuân. Trong tâm thức người Việt, sau tết cổ truyền là bắt đầu tháng hành hương.

Vì thế, tháng giêng âm lịch từ lâu đã trở thành tháng cao điểm của mùa hành hương. Đầu năm du xuân, hành hương và tham gia các lễ hội là nét đẹp văn hóa của người Việt. Cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đạo bình an, phát lộc phát tài, tai qua nạn khỏi, tật bệnh tiêu trừ... là những ước nguyện chính đáng của người hành hương. Nhiều người hành hương đã thể hiện điều ước của mình thông qua một số hình thức như xin lộc, nhang đèn cúng bái, vay mượn tài lộc từ chốn tôn nghiêm. Cũng từ đây đã xuất hiện một số biến tướng cần bàn. Chẳng hạn, việc phóng sinh thể hiện lòng từ tâm, sự giải thoát chúng sinh nhưng vô tình giúp cho những người có cơ hội tìm săn bắt chim. Bản thân những chú chim vô tội kia khó thoát khỏi phận “chim lồng” vì vừa phóng sinh vẫn có thể bị “bầm giập” do bắt lại bằng nhiều hình thức. Mặt khác, chuyện đốt nhang, vàng mã là một tập tục nhưng sự quá đà vẫn thường xảy ra gây lãng phí tốn kém và ô nhiễm môi trường không nhỏ. Đặc biệt, một số tệ nạn ăn theo lễ hội hành hương như tệ mê tín dị đoan, bói toán, xin xăm... vẫn có thể “hành” khách thập phương gây cảnh lo lắng, gia đạo bất an nếu gặp phải những quẻ bói, xăm “xấu”. Đáng quan tâm hơn, không ít khách hành hương tìm đến nhiều chùa để thể hiện thành tâm như theo quan niệm “đi đủ 10 - 12 kiểng chùa”, phật mới chứng giám, vừa tốn kém, vừa lãng phí, bỏ bê công ăn việc làm để dành thời gian cho việc đi nhiều chùa. Dân gian có câu “Phật tại tâm”, tức phật ở ngay trong lòng mỗi chúng ta. Sống hướng thiện, hỉ xả, có lòng từ bi, tích thiện, tích đức là những điều răn của phật nhưng cũng là một trong những điều căn bản về lối sống giàu tính nhân ái của mỗi con người. Việc tín ngưỡng, đi chùa có thể chọn một ngôi chùa thể hiện lòng thành, hướng về phật là đủ.

Bình Dương là tỉnh có nhiều chùa, miếu thu hút được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh tìm đến viếng quanh năm như chùa Bà (TX.TDM), chùa Bà (Lái Thiêu, TX.Thuận An), chùa Bà (Dầu Tiếng), chùa Ông (TX.TDM), một số chùa dân gian thường gọi như chùa núi Châu Thới (TX.Dĩ An), chùa núi Cậu (Dầu Tiếng)... Đặc biệt từ sau tết, nhất là cao điểm trong dịp lễ hội rằm tháng giêng, rất đông đảo khách thập phương đến viếng chùa Bà (TX.TDM) hoặc tham gia lễ rước kiệu Bà. Để bảo đảm an toàn cho du khách cũng như giữ cho lễ hội được văn minh, chính quyền thị xã, Ban tổ chức và ngành chức năng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm cho lễ hội chùa Bà diễn ra an toàn, văn minh.

Lễ hội là một trong những nét văn hóa truyền thống không chỉ có vai trò rất quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà còn góp phần trong quá trình hội nhập quốc tế của nước ta. Ở Việt Nam, lễ hội đã trở thành truyền thống và từ lâu là một phần không thể thiếu trong đời sống nhân dân. Lễ hội cũng góp phần thể hiện đời sống văn hóa tinh thần của con người được nâng lên. Vì thế, khách hành hương du xuân, tham gia các lễ hội phải chuẩn bị cho mình tâm lý của người thưởng thức văn hóa, hòa trong không gian lễ hội với tâm thức của một khách hành hương có văn hóa, tránh sa đà vào những tệ nạn ăn theo lễ hội. DÂN THƯỜNG
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=324
Quay lên trên