Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022-2030 với mục tiêu chính là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao nhận thức và hành động của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất góp phần giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon. Thời gian qua, việc chuyển hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, Bình Dương tiếp tục thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ðây là nền tảng quan trọng để tỉnh hướng tới nền công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng dòng vốn FDI vẫn chảy mạnh vào địa bàn tỉnh. Dòng vốn FDI vào Bình Dương thời gian gần đây có sự chuyển biến nhanh về chất, nhất là việc thu hút nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, năng lượng tái tạo... Với khát vọng, tầm nhìn, tư duy đổi mới và năng lực thực hiện, Bình Dương xác định và quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đô thị thông minh, vùng đổi mới sáng tạo, trở thành động lực phát triển của vùng và cả nước với những quy hoạch, kế hoạch cụ thể đang được triển khai thực hiện. Theo đó, tỉnh tiếp tục cấu trúc lại nền công nghiệp, nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp thông minh để tập trung vào hiện đại hóa các ngành công nghiệp hiện hữu... Chính sách kêu gọi đầu tư của tỉnh đã có sự chuyển hướng sang thu hút đầu tư chọn lọc các doanh nghiệp có công nghệ và giá trị gia tăng cao. Trong thu hút đầu tư, tỉnh lựa chọn, ưu tiên nhà đầu tư ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường để tạo nên sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng xanh. Sự kiện Tổng Công ty Becamex IDC và Công ty Sembcorp Development LTD (Singapore) ký kết bản ghi nhớ vào giữa tháng 2 vừa qua về việc hợp tác hình thành và phát triển 5 khu công nghiệp theo định hướng xanh, thông minh và bền vững tại Việt Nam là một minh chứng cho nỗ lực của Bình Dương để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh. Với định hướng chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp, bao gồm việc nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu cũng như xây dựng các khu, cụm công nghiệp xanh, thông minh với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0. Tiến tới hình thành các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ gắn liền với khoa học và công nghệ để đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ số, kinh tế số, góp phần đưa Bình Dương bước lên một nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị công nghiệp nhằm xây dựng một hệ sinh thái mới về tăng trưởng xanh.
NHẬT HUY