Vững bước trên đường công nghiệp hóa...

Cập nhật: 25-08-2017 | 08:37:22

72 năm đã trôi qua nhưng tinh thần và những bài học kinh nghiệm trong Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị. Với Bình Dương, trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã phát huy truyền thống, vận dụng những bài học kinh nghiệm, tạo sự đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh tổng hợp để đưa địa phương tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.

Nắm bắt thời cơ phát triển

Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Sông Bé cũ và nay là Bình Dương vẫn còn là một tỉnh nghèo, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, trong khi công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn. Dưới ánh sáng con đường đổi mới do Đảng khởi xướng, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ, hòa mình vào luồng gió đổi mới.

Diện mạo đô thị mới tại Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: X.THI

Bắt đầu từ những chủ trương đổi mới được cụ thể hóa bằng những chính sách thông thoáng, mở đường cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đó là “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”, “trải thảm đỏ thu hút nhân tài”. Với lợi thế về đất đai, lại có vị trí địa lý thuận lợi, giáp TP.Hồ Chí Minh, một đầu tàu kinh tế của cả nước, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh phát triển công nghiệp; từ tuyến đường huyết mạch quốc lộ 13, rồi Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần... Song song đó, với quan điểm coi thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của mình, tỉnh đã tiên phong đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính mà mô hình “một cửa, một dấu” được cho là cách làm mới “táo bạo”.

Xuất phát từ yêu cầu trong tình hình phát triển mới, phát huy các bài học kinh nghiệm, tỉnh đã vận dụng đường lối đổi mới của Đảng để tạo điều kiện tối đa cho các thành phần kinh tế trong tiếp cận sử dụng đất đai, đầu tư sản xuất. Qua đó, địa phương đã xây dựng nên các khu và cụm công nghiệp để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, như KCN Bình Đường, Sóng Thần II, Đồng An, Việt Hương, Việt Nam - Singapore, cùng các cụm công nghiệp khác đã đặt nền móng cho sự phát triển công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Việc thành lập các khu, cụm công nghiệp đã giúp cho kinh tế - xã hội phát triển nhanh, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đưa Sông Bé - Bình Dương trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp “nóng” trên phạm vi cả nước. Với định hướng phát triển đúng đắn, cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản, trong khi vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng của tất cả các lĩnh vực và ngành kinh tế. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh đã theo đúng định hướng và phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đi lên đô thị văn minh

Từ khi được chia tách ra từ tỉnh Sông Bé vào năm 1997, qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương hôm nay đã có những bước phát triển vượt bậc. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, Bình Dương đã trở thành địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, đứng tốp đầu trong thu hút đầu tư của cả nước. Kế thừa và phát huy thành quả đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương hôm nay tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, huy động được sức mạnh tổng hợp để phát triển. Chính vì vậy, liên tục trong những năm qua kinh tế của tỉnh luôn đạt mức tăng trưởng cao và ổn định; các chỉ tiêu kinh tế cao gấp hàng chục lần so với năm 1997.

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực, qua đó phát huy được sức mạnh tổng hợp về nhân lực, chung sức xây dựng, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân khu vực nông thôn được nâng lên rõ rệt. Tính đến cuối năm 2016, tỉnh đã huy động được trong nhân dân 58.458 ngày công, hiến 67.275m2 đất, góp quỹ vì người nghèo hơn 61 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã có 42 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Tính đến giữa năm 2017, toàn tỉnh đã có 28 KCN và 8 cụm công nghiệp; có trên 28.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có trên 25.000 doanh nghiệp đầu tư trong nước. Bình Dương đang tiếp tục là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Trong nửa đầu năm 2017, tỉnh đã thu hút thêm 1,671 tỷ đô la Mỹ vốn FDI, đạt 119,4% kế hoạch năm 2017. Toàn tỉnh có 2.939 doanh nghiệp có vốn FDI với tổng vốn đăng ký là 27,43 tỷ đô la Mỹ. Nhờ đó, nền kinh tế của tỉnh luôn đạt mức tăng trưởng cao so với vùng và cả nước với mức tăng bình quân hàng năm đạt 13%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Quá trình phát triển đô thị của tỉnh tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ khi TX.Thuận An và TX.Dĩ An được công nhận là đô thị loại III, riêng TP.Thủ Dầu Một đã đủ điều kiện đạt đô thị loại I; cơ sở hạ tầng các đô thị tiếp tục được đầu tư nâng cấp. Các công trình phục vụ hoạt động thương mại, dịch vụ được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị lớn được xây dựng và đưa vào hoạt động như: Trung tâm Thương mại Aeon Mall, Lotte Mart, Trung tâm Thương mại Becamex, Big C, Co.opmart... đã góp phần nâng cao chất lượng các hình thức kinh doanh, mua sắm, vui chơi giải trí, phục vụ tốt cho nhu cầu của nhân dân.

Cùng với phát triển kinh tế, công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Nhiều giải pháp bảo đảm an sinh xã hội được tỉnh triển khai nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm dần qua các năm. Sự nghiệp giáo dục có bước phát triển về quy mô, đa dạng về loại hình trường lớp từ mầm non, tiểu học đến cao đẳng, đại học. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Văn hóa, thể thao, du lịch phát triển khá toàn diện, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa - tinh thần của người dân...

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, phát huy những bài học kinh nghiệm quý giá của Cách mạng Tháng Tám, chớp thời cơ, tạo sự đồng thuận, hôm nay Bình Dương đã có những bước phát triển vững chắc. Đường lớn đã mở, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương vẫn đang tiếp tục đoàn kết, thống nhất, cùng chung tay đưa Bình Dương sớm trở thành đô thị văn minh, hiện đại trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Ngọc Lắm, (cựu chiến binh phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một):

Sự phát triển vượt bậc của Bình Dương thời gian qua ai cũng cảm nhận được. Đó là nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch như quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, các tuyến đường ĐT… đã tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội. Đi vào từng khu, ấp, những con đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.

Đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, Bình Dương không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính một cửa liên thông.

Ông Nguyễn Minh Ân, (Giám đốc Công ty TNHH An Nhiên, TP.Thủ Dầu Một):

Những năm qua, Bình Dương luôn là điểm sáng về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, đặc biệt là quá trình đô thị hóa. Nhiều dự án có quy mô lớn được hình thành đã tạo ra diện mạo đô thị mới, hiện đại, tiêu biểu nhất là dự án Thành phố mới Bình Dương. Đây chính là tiền đề, động lực để Bình Dương hướng đến trở thành một thành phố đáng sống.

Là một doanh nhân, tôi rất tin tưởng khi chọn Bình Dương làm điểm đến đầu tư. Điều khiến chúng tôi cảm thấy hài lòng là trong quá trình phát triển, Bình Dương luôn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, kết nối một cách đồng bộ với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam... Hệ thống cảng, kho vận được đầu tư hiện đại góp phần phát triển dịch vụ logistic. Đồng thời, Bình Dương còn tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phục vụ người dân, doanh nghiệp...

Ông Nguyễn Trọng Dũng, (cán bộ công đoàn tại KCN Sóng Thần II)

Nếu ai đến Bình Dương 10 năm trước và so sánh với Bình Dương hiện nay sẽ thấy một sự phát triển đáng kinh ngạc. Cơ sở hạ tầng, đường sá, trường lớp được quan tâm đầu tư xây dựng. Bộ mặt đô thị tại các địa phương trong tỉnh ngày càng văn minh, hiện đại.

Hơn thế nữa, thời gian qua, sự chăm lo của các ban, ngành, đoàn thể, nhất là tổ chức công đoàn dành cho công nhân lao động cũng được đánh giá khá cao. Là một người xa quê đến Bình Dương lập nghiệp, tôi rất vui mừng về điều đó và coi đây chính là quê hương thứ hai của mình.

THU THẢO (ghi)

CAO SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1625
Quay lên trên