Vươn lên từ cuộc mưu sinh

Cập nhật: 19-11-2012 | 00:00:00
Bình Dương hiện là điểm dừng chân của nhiều bạn trẻ xa quê đang học tập và lao động. Mục đích họ hướng đến không chỉ việc mưu sinh mà đó còn là ý chí quyết tâm đem về sự thành công trong nghề nghiệp, ổn định cuộc sống. Quyết tâm Quê ở Đắc Lắc, gia đình nhiều con nên ba mẹ bạn Phạm Hữu Thành (sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một) phải vất vả lao động kiếm sống nhưng vẫn khó khăn và thiếu thốn. Hiểu được hoàn cảnh gia đình nên Thành ra sức ôn tập và sau đó thi đậu vào ngành công nghệ thông tin, trường Đại học Thủ Dầu Một. Ngoài thời gian đến lớp, Thành nhận dạy thêm tại nhà, mỗi tháng có được 800.000 - 900.000 đồng xoay xở cũng đủ chi phí tiền nhà trọ, sinh hoạt để ba mẹ an tâm. Phần thưởng Thành dành cho gia đình là danh hiệu sinh viên giỏi 2 năm liền, nhận được học bổng của trường và học bổng toàn phần khóa học quản trị mạng quốc tế ACNA của trường Aptech năm 2011. Bên cạnh đó là những tờ giấy khen vì có thành tích cao trong học tập và phong trào Đoàn thanh niên. Hay trường hợp gia đình anh chị Nguyễn Văn Hùng quê ở Hưng Yên. Xa quê đến nay được hơn 5 năm, vợ chồng anh ở trọ tại Hóa An (TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Vợ anh thì làm công nhân Công ty Ponchen, còn anh thì mỗi ngày rong ruổi cùng chiếc xe đạp đến các vùng lân cận như Dĩ An, Tân Uyên hành nghề sửa chữa và mua bán quạt máy cũ. Anh cho biết: “Ở ngoài quê cuộc sống khó khăn quá nên vợ chồng tôi vào đây tìm kế sinh nhai. Vợ chồng tôi đã quyết tâm cố gắng siêng năng lao động để đời sống khá hơn, không phụ lòng gia đình ở Hưng Yên. Tết năm nay vợ chồng tôi sẽ về quê ăn tết cùng ba mẹ, anh chị em và thăm hỏi xóm giềng”. Nghề nghiệp cho tương lai Bạn Lý Minh Thi - sinh viên trường Cao đẳng nghề Singapore chia sẻ: Tôi cùng gia đình rời An Giang đến Bình Dương lập nghiệp gần 5 năm nay. Lúc đầu tôi đi làm công nhân để có tiền phụ gia đình trang trải cuộc sống. Nhưng để có một tương lai tốt hơn nên tôi đã quyết định nghỉ làm để đi học. Đó là bước ngoặt cho ước mơ để gia đình tôi có thể xây dựng một mái nhà trên quê hương Bình Dương. “Là một thanh niên xa quê đến Bình Dương lập nghiệp, tất cả mọi thứ đều phải tự lập, những lúc công việc gặp khó khăn tôi rất nản nhưng bằng quyết tâm với suy nghĩ ngày trở về phải thành công nên tôi đã vượt qua”, bạn Tô Ánh Nguyệt (quê Bình Phước), nhân viên Công ty Cổ phần bóng đá Becamex Bình Dương cho biết. Để có được công việc ổn định, Nguyệt đã trải qua thời gian dài cố gắng học tập ở giảng đường của trường Đại học Bình Dương. Nguyệt luôn tự nhủ: Có công việc để có điều kiện phụ giúp gia đình và hơn nữa là nghề nghiệp ổn định thì cuộc sống sẽ tốt hơn… Nhận thấy Bình Dương là nơi đất lành, có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp nên Nguyệt tiếp tục gắn bó với Bình Dương, xem đây là quê hương thứ 2 của mình. Nguyệt nói: “Công việc của tôi ở lĩnh vực kinh doanh cần sự nhạy bén, khéo léo vì thế thời gian đầu rất khó tiếp cận. Để không gặp thất bại, trước khi gặp khách hàng tôi luôn tìm hiểu thông tin về khách hàng, tìm hiểu giá nhà, đất… đồng thời phải học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để dần dần tích lũy kinh nghiệm, từ đó có thể thuyết phục những khách hàng khó tính”. Không chỉ là nhân viên của công ty, Nguyệt còn là huấn luyện viên khiêu vũ tại Nhà Văn hóa tỉnh - nghề tay trái này giúp bạn có thêm thu nhập để phụ giúp gia đình ổn định cuộc sống.  N.NHƯ - K.TUYẾN
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=285
Quay lên trên