Xây dựng đô thị vì mục tiêu phát triển bền vững

Cập nhật: 14-05-2013 | 00:00:00

Để phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn tới, Bình Dương đã triển khai xây dựng thành phố mới (TPM)- trung tâm thành phố Bình Dương tương lai. Sau 3 năm xây dựng, bóng dáng TPM Bình Dương đã định hình và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp và đô thị các khu vực lân cận.

Bóng dáng đô thị đã hình thành tại TPM

Hiện thực thành phố mới

Bình Dương xác định phát triển công nghiệp phải đi đôi với phát triển đô thị. Để đưa Bình Dương trở thành một trong những tỉnh, thành có nền công nghiệp phát triển bền vững, vấn đề đòi hỏi Bình Dương cần làm là tập trung phát triển đô thị, trong đó xây dựng TPM là đòi hỏi tất yếu cho quá trình phát triển đó. Chính vì thế, dự án TPM Bình Dương với quy mô 1.000 ha được Chính phủ phê duyệt đã và đang trở thành một khu đô thị văn minh, hiện đại và là quận trung tâm của thành phố Bình Dương trực thuộc Trung ương theo định hướng quy hoạch đến năm 2020.

Sau 3 năm khởi công, đến nay TPM đang dần hiện hữu với hàng loạt các công trình đã hoàn chỉnh và đi vào hoạt động, giúp bộ mặt tỉnh nhà thay đổi từng ngày, tác động mạnh mẽ đến công nghiệp và dịch vụ, giúp các ngành này cùng phát triển. Tại đây, trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU), nơi được xem là “chiếc nôi” đào tạo nhằm tạo sự đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đã đi vào hoạt động từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực cao mà các doanh nghiệp đang cần; trường quốc tế do Tập đoàn giáo dục Kinderworld đầu tư cũng đã hoàn thành đi vào hoạt động. Tiếp đó, trường Tiểu học - THCS & THPT Ngô Thời Nhiệm đi vào hoạt động trong năm học 2012-2013, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại tỉnh nhà…

Cùng với các công trình nói trên, trung tâm hội nghị, công viên hồ nước và trung tâm thể thao đạt chuẩn quốc tế như sân bóng đá, sân tennis, hồ bơi đã đi vào hoạt động phục vụ người dân. Các dự án bất động sản như căn hộ cao cấp dành cho chuyên gia IJC Aroma đã đón những công dân mới; phố thương mại Gold Town đã hoàn thành và đang được bàn giao cho khách hàng; dự án Đông Đô Đại Phố cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công; dự án Sunflower Villas đang được triển khai và thu hút khách hàng… Ngoài ra, hàng loạt dự án thành phần như căn hộ cao tầng, phố thương mại, biệt thự sinh thái, trung tâm tài chính ngân hàng, văn phòng thương mại, công nghệ thông tin, khách sạn, nhà hàng, siêu thị đều đang triển khai xây dựng. Tại đây, Tập đoàn Mapletree (Singapore) đã đầu tư 400 triệu USD xây dựng khu công nghệ kỹ thuật cao. Mới đây, Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) cũng đã khởi công xây dựng khu đô thị Tokyu Bình Dương với quy mô đầu tư lên đến 1,2 tỷ USD...

Trung tâm Chính trị - Hành chính tập trung của tỉnh tại TPM đang được khẩn trương xây dựng sẽ đi vào hoạt động trong năm 2014

Từ thực tế có thể nhận thấy, lĩnh vực công nghiệp của Bình Dương phát triển rất nhanh, nhưng lĩnh vực dịch vụ phát triển chưa tương xứng với công nghiệp và tiềm năng của tỉnh, thể hiện qua cơ cấu công nghiệp - dịch vụ tương ứng với 62% - 34,2%. Theo định hướng phát triển đến năm 2020, Bình Dương phải nâng tỷ lệ dịch vụ lên trên 42% trong cơ cấu kinh tế. Vì vậy, việc xây dựng hạ tầng để thu hút các dự án trong lĩnh vực dịch vụ và từng bước nâng cao dịch vụ là điều tất yếu. Trong đó, TPM chính là nơi đột phá để nâng cao giá trị dịch vụ trong tương lai. Với thực tế đang diễn ra, bước đầu TPM đang tác động mạnh mẽ để dịch vụ phát triển.

Công trình ích nước, lợi dân

Theo quy hoạch chi tiết, TPM bao gồm các hạng mục chính là Trung tâm Chính trị - Hành chính tập trung; Trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế; Khu công nghệ kỹ thuật cao; Trường Đại học Quốc tế Miền Đông với quy mô 24.000 sinh viên; Trường Quốc tế Kinderworld; trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng; văn phòng làm việc loại A; khu nhà ở… TPM có khả năng tiếp nhận 125.000 người định cư và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc.

Cùng các công trình tạo lực khác, nổi bật tại TPM chính là Trung tâm Chính trị - Hành chính tập trung đã được khởi công xây dựng vào cuối năm 2010. Quy mô xây dựng trên diện tích 20 ha với kiến trúc hiện đại, thân thiện với môi trường. Dự án này được Tập đoàn thiết kế CPG (Singapore) thực hiện và được Hội đồng kiến trúc sư Việt Nam đánh giá rất cao. Đây sẽ là nơi làm việc của các cơ quan Đảng, chính quyền tỉnh, là đỉnh cao của bước đột phá trong công cuộc cải cách hành chính, tiến tới một nền hành chính minh bạch, tân tiến và hiện đại vào hàng bậc nhất khu vực, là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ cho các hoạt động kinh tế, giao lưu quốc tế ở trình độ cao. Đến nay, Trung tâm Chính trị - Hành chính tập trung đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng và dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động đầu năm tới. Được bố trí khoa học, khi hoàn thành Trung tâm Chính trị - Hành chính tập trung sẽ góp phần quan trọng nâng tầm TPM Bình Dương, biểu tượng của tỉnh công nghiệp hóa trong kỷ nguyên mới cũng như bước đột phá trong việc tiếp tục đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính công.

Nói về TPM, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm cho biết ông thật sự ấn tượng khi tham quan TPM. Với quy hoạch bài bản, thông thoáng, TPM Bình Dương mang dáng dấp một đô thị hiện đại của các nước phương Tây, thể hiện dấu ấn đặc biệt trong cả quy hoạch và xây dựng đô thị. Cùng quan điểm này, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn, cho rằng đây là công trình được quy hoạch bài bản, khi hoàn thành sẽ là điểm nhấn cho trung tâm công nghiệp - đô thị hiện đại của cả khu vực. Không chỉ các nhà khoa học trong nước mà ngay cả đại diện các tập đoàn nước ngoài với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng đô thị cũng đánh giá cao TPM. Chọn TPM để đầu tư số vốn 1,2 tỷ USD, ông Toshiaki Koshimura- Chủ tịch Tập đoàn Tokyu, cho rằng tập đoàn đánh giá cao TPM và khẳng định đây sẽ là trung tâm đô thị tuyệt vời của Việt Nam trong tương lai.

Có thể nói, TPM Bình Dương là công trình trọng điểm trong giai đoạn hội nhập và phát triển. Với thực tế đang diễn ra, rõ ràng TPM Bình Dương là công trình “ích nước lợi dân”, không thể phủ nhận nếu còn khiếm khuyết ở một khâu nào đó. Thời gian tới, nơi đây sẽ là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của Bình Dương hiện đại, năng động với đầy đủ các loại hình dịch vụ và hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối chặt chẽ với các tỉnh, thành lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. TPM không chỉ tạo diện mạo cho Bình Dương mà còn là điểm nhấn đô thị quan trọng, góp phần thúc đẩy cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục phát triển theo hướng gắn kết công nghiệp với đô thị.

Kỳ tới: Cần hiểu đúng vấn đề

PHƯỚC GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên