Đại dịch Covid-19 và những biến động về địa chính trị giữa những nước lớn đã giúp các nhà sản xuất nhìn nhận rõ hơn về tính ưu việt của sản xuất thông minh (SXTM). Mặc dù sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi, nhưng SXTM chính là con đường để doanh nghiệp (DN) tối ưu hóa quy trình sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh. SXTM là hướng đi tất yếu không chỉ giúp DN mang lại lợi nhuận mà còn trở thành “mảnh ghép” trong chuỗi cung ứng toàn cầu trước những yêu cầu ngày càng cao của đối tác, khách hàng.
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và các công nghệ tiên tiến hiện đại như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây… đã mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của thiết bị, máy móc thông minh, từ đó hình thành hệ thống SXTM. Hệ thống SXTM là tổng thể dây chuyền được kết nối, kích hoạt và điều khiển lẫn nhau với mục đích giảm thiểu sự tham gia của con người, đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu về tối ưu hóa và cạnh tranh toàn cầu, đưa sản xuất trở thành trụ cột quan trọng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Nắm bắt xu hướng tất yếu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bình Dương đã có những bước đi mang tính đón đầu, từng bước hình thành, kích hoạt SXTM bằng các dự án cụ thể như thành phố thông minh, khu công nghiệp khoa học công nghệ… Không phải đến thời điểm này, tức là sau những khó khăn bởi đại dịch Covid-19 hay đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, mà từ lâu Bình Dương đã xác định xây dựng thành phố thông minh để làm “đòn bẩy” thu hút đầu tư thế hệ mới. Nằm trong tổng thể dự án thành phố thông minh, Khu Liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương được quy hoạch bài bản với tầm nhìn lên đến 50 năm, hiện đã trở thành trung tâm mới của Bình Dương. Nơi đây đã và đang hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, thu hút được nhiều DN đến đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Một dự án khác cũng đã được Bình Dương kích hoạt nhằm thu hút đầu tư thế hệ mới là Khu công nghiệp khoa học công nghệ Bàu Bàng. Dự án ra đời đã minh chứng sự nhanh nhạy trong chuyển đổi tư duy của lãnh đạo tỉnh. Đây là hướng đi tất yếu để Bình Dương nhanh chóng thoát khỏi những tồn tại là kinh tế còn dựa nhiều vào sản xuất truyền thống, chủ yếu công nghiệp gia công, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, thâm dụng lao động cao, ảnh hưởng môi trường lớn. Đây cũng là hướng đi tất yếu để Bình Dương chuyển đổi nền sản xuất công nghiệp từ thế hệ đầu sang giai đoạn mới, thế hệ thứ hai, thứ ba với nền kinh tế xanh, thông minh và bền vững.
Cùng với các dự án nói trên, Bình Dương còn ký kết với các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhiều dự án nhằm xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ SXTM, trong đó chú trọng xây dựng, phát triển hạ tầng số, công nghệ số. Song song đó, Bình Dương còn chú trọng khuyến khích DN chuyển đổi công nghệ; đồng thời lựa chọn thu hút các dự án sử dụng công nghệ mới, có giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động và thân thiện với môi trường.
Những dự án, hướng đi nói trên chính là nền tảng để DN, nhà đầu tư hình thành hệ thống SXTM, từ đó góp phần giúp Bình Dương phát triển ngày càng bền vững.
LÊ QUANG