Bình Dương vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để phát triển kết cấu hạ tầng

Cập nhật: 22-08-2016 | 09:31:37

 Những năm qua, Bình Dương đã xác định việc huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng là hết sức cần thiết. Tỉnh đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, cùng với đó đẩy mạnh công tác xã hội hóa các lĩnh vực nhằm phát huy nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cấp và chỉnh trang đô thị. Từ đó, góp phần tạo nền tảng, cơ sở cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo đúng định hướng đã đề ra.

 Chủ động tìm nguồn vốn

Trong giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh đạt hơn 98.600 tỷ đồng, chiếm 37,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tăng bình quân 14%/năm. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước chiếm 24,8%, còn lại là đóng góp của doanh nghiệp và người dân. Trong khi đó, vốn đầu tư hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương thời gian qua là 309,2 tỷ đồng; tuy số vốn khá khiêm tốn nhưng vẫn được tỉnh tập trung triển khai theo đúng các mục tiêu hỗ trợ cụ thể cho từng dự án. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách tỉnh là hơn 20.000 tỷ đồng, được bố trí tập trung cho các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng, những dự án không có khả năng hoàn vốn trực tiếp, các dự án quan trọng, tạo động lực thu hút các nguồn vốn khác tham gia đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.

Trong những năm qua, Bình Dương đã vận dụng cơ chế, chính sách linh hoạt để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong ảnh: Quốc lộ 13, trục đường huyết mạch, “xương sống” của tỉnh. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Ngoài ra, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) được chính quyền cùng các chủ đầu tư tranh thủ tối đa, với tổng số vốn tài trợ theo các hiệp định vay khoảng 8.134 tỷ đồng cho 6 công trình cấp thoát nước, xử lý môi trường và 1 công trình giáo dục trên địa bàn. Giai đoạn 2011- 2015, tỉnh đã thực hiện giải ngân hơn 2.857 tỷ đồng vốn ODA. Các dự án này không chỉ phục vụ cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt trong tỉnh mà còn cung cấp cho người dân và doanh nghiệp vùng giáp ranh TP.Hồ Chí Minh; đồng thời từng bước cải thiện môi trường, hiện đại hóa cơ sở vật chất cho lĩnh vực dạy nghề… góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.

Phát triển kết cấu hạ tầng

Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, Bình Dương đã chủ động tìm nguồn vốn và nhà đầu tư để đầu tư xây dựng mới các tuyến đường do Trung ương quản lý và quy hoạch đi qua địa bàn tỉnh như đường Mỹ Phước- Tân Vạn (đoạn đi trùng với đường Vành đai 3); cầu Thới An và một đoạn của đường Vành đai 4 qua địa bàn tỉnh; quốc lộ 13… Bên cạnh đó, các tuyến đường giao thông quan trọng, huyết mạch, kết nối vùng cũng được tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối thông suốt mạng lưới giao thông địa phương với mạng lưới giao thông trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đối với những công trình giao thông quan trọng, tiếp tục được tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng như: Nâng cấp mở rộng toàn tuyến quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn tỉnh dài 62km; nâng cấp mở rộng toàn tuyến ĐT741 đoạn qua địa bàn tỉnh dài 49km; đầu tư xây dựng mới các cầu Thủ Biên, Bạch Đằng, Thạnh Hội qua sông Đồng Nai kết nối với tỉnh Đồng Nai… Trong công tác quy hoạch phát triển, chỉnh trang đô thị, được tỉnh quan tâm chỉ đạo; hạ tầng kỹ thuật đô thị và các công trình phục vụ nâng cấp, chỉnh trang đô thị cũng được đầu tư. Song song đó, kết cấu hạ tầng nông thôn được tỉnh quan tâm đầu tư, vận động nhân dân tham gia đầu tư làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh đã nhựa hóa và bê tông hóa 1.892km đường trục xã, liên xã; cứng hóa 1.134km đường trục ấp, xóm. Tỉnh nhà còn nâng cấp các công trình thủy lợi, cải tạo hệ thống kênh mương, trạm bơm... nhằm bảo đảm điều kiện sản xuất.

Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách

Theo UBND tỉnh, dự kiến tổng vốn đầu tư công của tỉnh giai đoạn 2016-2020 là hơn 36.000 tỷ đồng. Con số này còn thấp so với nhu cầu đầu tư của tỉnh, do đó ngân sách tỉnh cần tập trung cho các công trình quan trọng, có sức lan tỏa lớn. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách Nhà nước, trong thời gian tới Bình Dương sẽ tiếp tục thực hiện điều hành hiệu quả công tác thu - chi ngân sách để có nguồn lực đầu tư; tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển; đồng thời quản lý chặt chẽ công tác phân bổ vốn, ưu tiên bố trí cho các công trình trọng điểm, quan trọng; tuyệt đối không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản…

Vận dụng các cơ chế, chính sách của Nhà nước, trong giai đoạn tiếp theo, Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước; xây dựng cơ chế, quy trình, danh mục dự án cụ thể để thu hút vốn từ những doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm về tài chính và chuyên môn tham gia đầu tư đối tác công - tư (PPP) và các phương thức phù hợp khác. Tỉnh cũng quan tâm huy động nguồn vốn đóng góp của cộng đồng dân cư để đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn và chỉnh trang đô thị; cùng với đó tăng cường xúc tiến, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ, logistics và hạ tầng giáo dục, y tế chất lượng cao...

Nhằm huy động và phát huy mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ rà soát, cập nhật các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở để kế hoạch hóa các nguồn lực đầu tư. UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp trong tỉnh cần quy hoạch và công bố rộng rãi quỹ đất dành cho các dự án PPP, quỹ đất để đấu giá, quỹ đất dành cho xã hội hóa. Cùng với đó, các ngành và địa phương cần thực hiện hiệu quả các cơ chế tài chính gắn liền với đất; chú trọng phát triển quỹ đất gắn với các khu đô thị và những vùng có tiềm năng theo hướng mở rộng không gian đô thị, nâng cao giá trị quỹ đất...

* Ông TRƯƠNG QUANG NGHĨA, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải: Bình Dương đang dẫn đầu trong công tác quy hoạch, thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng

Những kết quả đạt được trong ngành giao thông-vận tải của Bình Dương thời gian qua đã mang lại lợi ích to lớn cho tỉnh nhà, đồng thời đóng góp quan trọng vào sự phát triển của cả nước. Với sự sáng tạo, thực hiện nhiều cải cách của lãnh đạo tỉnh, cùng với sự minh mạch trong quản lý, trong đầu tư các dự án BOT, Bình Dương đã tiên phong, mang lại diện mạo mới cho tỉnh. Đến nay, Bình Dương là tỉnh đang dẫn đầu cả nước trong công tác quy hoạch, thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng.

* Ông TRẦN VĂN NAM, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy: Bình Dương làm tốt công tác xã hội hóa

Trong thời gian qua, những chính sách, cơ chế của Nhà nước đã tạo nhiều thuận lợi để Bình Dương phát triển như ngày hôm nay. Trong đầu tư, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tỉnh đã làm tốt công tác xã hội hóa. Đặc biệt, một số dự án lớn tỉnh đã không dùng vốn ngân sách để đầu tư mà dùng vốn từ các doanh nghiệp, cá nhân.

 

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên