Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công

Cập nhật: 10-04-2020 | 07:44:16

 2020 là năm cuối của kỳ kế hoạch (KH) đầu tư công (ĐTC) trung hạn 2016-2020. Tuy nhiên, quý I-2020 tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC còn thấp. Để bảo đảm hoàn thành kế hoạch đề ra, Bình Dương cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC.

 Xây dựng bờ kè chống sạt lở sông Đồng Nai, đoạn từ cầu Rạch Tre đến Thị ủy Tân Uyên (giai đoạn 2) là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh năm 2020

 Giải ngân còn thấp

HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 44/NQ-HĐND về KH ĐTC năm 2020 và được UBND tỉnh giao chỉ tiêu chi tiết đến từng chủ đầu tư tại Quyết định số 3855/QĐ-UBND ngày 23-12-2019 với tổng vốn đầu tư 13.324 tỷ 603 triệu đồng. Để sử dụng nguồn kết dư KH năm 2019, UBND tỉnh đã trình và được HĐND tỉnh bổ sung 142 tỷ 760 triệu đồng đối với nguồn ngân sách địa phương năm 2020 tại Nghị quyết số 05/ NQ-HĐND ngày 10-3-2020. Trong quý I-2020, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, sâu sát, đề ra các giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của các sở, ban, ngành, chủ đầu tư trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn ĐTC.

Tính đến ngày 15-3-2020, khối lượng thực hiện ĐTC 809 tỷ 252 triệu đồng, giá trị giải ngân 665 tỷ 428 triệu đồng, đạt 5,0% KH (cao hơn 2% so với cùng kỳ năm 2019). Ước giá trị giải ngân đến ngày 31-3-2020 là 886 tỷ 181 triệu đồng, đạt 6,7% KH. Tại 9 huyện, thị, thành phố, tổng vốn bố trí năm 2020 (bao gồm vốn tỉnh quản lý, xổ số kiến thiết, vốn tỉnh hỗ trợ cho cấp huyện, vốn phân cấp và vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện) 6.581 tỷ 239 triệu đồng, chiếm 52% vốn ngân sách địa phương. Tính đến ngày 15-3- 2020, tổng khối lượng thực hiện 469 tỷ 562 triệu đồng, đạt 7,1% KH, giá trị giải ngân 442 tỷ 151 triệu đồng, đạt 6,7% KH. Theo tình hình giải ngân KH ĐTC 2020, có 2 đơn vị giải ngân dưới 5%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh gồm UBND TX.Bến Cát (0,9%) và UBND TP.Thuận An (2,9%).

Từ năm 2019, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục chuẩn bị đầu tư, đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, phát huy hiệu quả lan tỏa sau đầu tư. Trong năm 2020, Bình Dương dự kiến khởi công 34 dự án và đưa vào sử dụng 42 công trình hoàn thành nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp.

Lý giải nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC thấp, ông Mai Bá Trước, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: “Hiện tại chỉ có một trong bốn nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư công được sửa đổi ban hành (Nghị định số 01/2020/NĐ-CP ngày 1-1-2020 sửa đổi Nghị định số 84/2015/NĐ-CP về giám sát đánh giá đầu tư). Còn lại 3 nghị định liên quan đến công tác lập, thẩm định chủ trương dự án, KH ĐTC đang trong quá trình dự thảo nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Bên cạnh đó, việc thực hiện điều chỉnh, thẩm định lại chi phí đầu tư theo Nghị định số 68/2019/NĐ- CP ngày 14-8-2019 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ các dự án dự kiến khởi công trong năm 2020. Một số chủ đầu tư chưa chủ động xây dựng tiến độ thực hiện KH phù hợp với thời gian dự án được phê duyệt, từ đó xác định nhu cầu sử dụng vốn không sát với tiến độ triển khai và khả năng giải ngân thực tế, gây khó khăn trong quản lý, điều hành KH vốn chung của tỉnh. Ngoài ra, trình tự, thủ tục thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và lập dự án đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai còn nhiều bất cập và mất nhiều thời gian. Việc vận động người dân đồng thuận với chủ trương, đơn giá đền bù giải tỏa các dự án đầu tư công rất khó khăn, phức tạp và kéo dài. Mặt khác, còn tình trạng dồn khối lượng để thực hiện, giải ngân vào thời điểm kết thúc năm, xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm, không thực hiện thường xuyên theo tiến độ dự án”.

Đẩy nhanh tiến độ

Trước những tồn tại và hạn chế trên, UBND tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân KH ĐTC năm 2020. Cụ thể, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước năm 2020. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ĐTC còn lại của năm 2019 và năm 2020 (bao gồm vốn ODA); tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế - xã hội. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố thường xuyên kiểm tra, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo đảm tiến độ, khối lượng và chất lượng công trình.

Ông Mai Bá Trước cho biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị UBND tỉnh cần yêu cầu tăng cường trách nhiệm người đứng đầu địa phương, chủ đầu tư và đơn vị liên quan, bảo đảm thực hiện song song 2 nhiệm vụ vừa tập trung giải ngân KH 2020 vừa xây dựng KH ĐTC giai đoạn 2021-2025. Các cơ quan thẩm định ưu tiên rút ngắn thời gian tổ chức thẩm định các bước trong ĐTC bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng định mức, đơn giá. Ông Mai Bá Trước cho biết thêm, trong thời gian tới Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất hoặc hàng quý về tình hình giải ngân KH ĐTC để kịp thời chấn chỉnh công tác nghiệm thu, giải ngân. Đồng thời, rà soát các danh mục dự án được giao nhiệm vụ chủ đầu tư và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư nhiều năm nhưng triển khai chậm hoặc không triển khai thủ tục đầu tư, báo cáo UBND tỉnh dừng hoặc chuyển giao nhiệm vụ chủ đầu tư.

 Về tình hình thực hiện và giải ngân KH ĐTC 2020 các công trình quan trọng, trọng điểm, theo KH ĐTC năm 2020, tỉnh bố trí cho 49 danh mục dự án công trình trọng điểm với tổng vốn 5.822 tỷ 153 triệu đồng, chiếm 46% vốn ngân sách địa phương. Đến ngày 15-3-2020 đã giải ngân 54 tỷ 064 triệu đồng, đạt 0,9% so với KH.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên