Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Cập nhật: 21-01-2015 | 08:28:17

Tuy còn nhiều khó khăn như giá cả biến động, giá mủ cao su xuống thấp… song nhìn chung, tình hình sản xuất nông nghiệp ở Bình Dương năm 2014 vẫn phát triển ổn định.

Nhiều mô hình hiệu quả

Hiện nay, Hội Nông dân 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh có 87 cơ sở hội, 533 chi hội, 2.027 tổ hội. Qua phân loại thi đua năm 2014, có 9 huyện, thị, thành hội, 84 cơ sở hội, 483 chi hội và 1.706 tổ hội đạt vững mạnh; không có yếu kém.

Nổi bật trong hoạt động của các cấp Hội Nông dân là việc phát động phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG). Theo đó, trong năm qua các cấp hội đã hướng dẫn thực hiện Quy định số 18 về tiêu chuẩn hộ nông dân SXKDG các cấp giai đoạn 2011-2016, đồng thời phát động hội viên nông dân tham gia hưởng ứng phong trào nông dân thi đua SXKDG. Kết quả đã có 43.741 hộ đăng ký; qua bình xét có 37.063 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp, đạt 123,5% so với chỉ tiêu Trung ương hội giao.

Bình Dương quan tâm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Trong ảnh: Mua bán hoa kiểng ở phường Bình Hòa, TX.Thuận An. Ảnh: B.ANH

Bên cạnh phong trào thi đua SXKDG, hội viên nông dân còn tích cực hưởng ứng phong trào đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo. Theo đó, năm 2014 các cấp Hội Nông dân đã vận động các hộ nông dân SXKDG, đại lý, công ty phân bón bán trả chậm vật tư nông nghiệp, phân bón, thức ăn gia súc… cho 2.980 lượt hội viên nông dân gặp khó khăn với số tiền trên 16 tỷ đồng.

Đặc biệt, các cấp hội đã triển khai sâu rộng phong trào hỗ trợ nông dân làm giàu và được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ. Bằng nguồn vốn tự vận động và nhận ủy thác, các cấp Hội Nông dân đã xây dựng 87 mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả, đạt 217,5% chỉ tiêu Trung ương hội giao. Hầu hết mô hình nông nghiệp đô thị, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp đều ứng dụng khoa học công nghệ, theo hướng hiện đại, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững như mô hình trồng hoa lan, bưởi da xanh, bưởi Bạch Đằng, nuôi bồ câu...

Hiện nay, 22 hợp tác xã, 254 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp và 1.068 trang trại nông nghiệp trong tỉnh cũng đang tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, qua đó đóng vai trò quan trọng trong việc tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp

Không chỉ quan tâm phát động phong trào thi đua SXKDG ở nông thôn, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh còn quan tâm đến lao động nông nhàn. Cụ thể, tại TX.Dĩ An, các cấp Hội Nông dân ở đây luôn sát cánh cùng nông dân “chuyển dịch nghề nghiệp”. Ông Lê Phú Tâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TX.Dĩ An cho biết: “Chúng tôi luôn sát cánh cùng Hội Nông dân xây dựng thành công các mô hình nông nghiệp đô thị vừa có hiệu quả kinh tế cao, làm đẹp phố phường vừa nâng cao chất lượng cuộc sống hội viên và cộng đồng dân cư. Hội còn tổ chức cho lao động nông nhàn học nghề cắt tóc, lái xe cơ giới… để chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống”.

Từ phong trào SXKDG, cùng với việc tạo nguồn vốn, hỗ trợ vốn cho nông dân…, trong năm 2014, các cấp Hội Nông dân đã giúp 238 hộ nông dân thoát nghèo, góp phần cho chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Giám đốc Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân cho biết, thực hiện Chương trình kiểm tra, giám sát của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam năm 2014, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra, giám sát, cũng như hướng dẫn các huyện, thị, thành hội xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát các cơ sở hội năm 2014. Riêng ở Tỉnh hội, trong năm 2014 đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân và Chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội kiểm tra 207 hộ vay ở 24 cơ sở. Bên cạnh đó, hội đã tổ chức 1.730 cuộc kiểm tra về sổ sách, tình hình thu, sử dụng phí Quỹ hỗ trợ nông dân nguồn Trung ương và Tỉnh hội ủy thác… Kết quả kiểm tra cho thấy, các cơ sở hội đều thực hiện đúng quy định.

Theo bà Nhung, với sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp Hội Nông dân, cùng nguồn vốn của Quỹ hội nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội... đã và đang góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngay trong ngành nông nghiệp, theo khuynh hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao…

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên