Để công nghiệp phụ trợ phát triển mạnh: Cần có sự đầu tư trọng điểm

Cập nhật: 17-10-2014 | 08:26:44

>> Kỳ 1: Tiềm năng lớn

 Kỳ cuối: Cần có sự đầu tư trọng điểm

 Cùng với những tiềm năng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT) mà Bình Dương đang có, thời gian qua Sở Công thương đã triển khai kế hoạch và công tác hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực CNPT. Song, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các chính sách còn gặp nhiều khó khăn.

 

Phát triển ngành CNPT là nền tảng cho ngành công nghiệp phát triển bền vững. Trong ảnh: Sản xuất giày tại Công ty Cổ phần Đầu tư Giày Thái Bình Ảnh: P.AN

 Chính sách còn chung chung

Ngày 26-9-2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2751/ QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Định hướng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020. Đề án được phê duyệt nhằm định hướng, thu hút và phân bổ lại ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh, góp phần thúc đẩy ngành CNPT của tỉnh phát triển. Việc phát triển CNPT cũng gắn kết với việc bảo vệ môi trường trên cơ sở áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đổi mới công nghệ, lựa chọn ngành nghề phù hợp, bố trí vào những khu, cụm công nghiệp thích hợp. Tuy nhiên, đến nay chưa có dự án CNPT nào được trình Hội đồng thẩm định để thẩm định và công nhận dự án sản xuất sản phẩm CNPT thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển. Nguyên nhân do trình tự, thủ tục lập dự án yêu cầu rất chi tiết, trong khi đó nội dung thẩm định và công nhận đòi hỏi dự án phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe. Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích phát triển thị trường chưa được thực hiện tốt.

Ông Võ Văn Cư, Giám đốc Sở Công thương, cho biết hiện nay việc phát triển ngành CNPT còn gặp những vướng mắc cơ bản trong thể chế và chính sách phát triển, như: Chưa có quan điểm rõ ràng về CNPT để xác định các chủ thể tham gia vào phát triển CNPT. Bên cạnh đó, cơ chế vận hành còn chưa đầy đủ, chưa bám sát nhu cầu thị trường. Việc đề ra các chính sách phát triển CNPT cũng chưa giải quyết được những khó khăn đặc trưng của lĩnh vực này. Trong khi đó, vai trò hỗ trợ trung gian của các tổ chức, hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước chưa thể hiện rõ, kể cả ở khâu hoạch định chính sách kế hoạch đến thực thi.

“Các chương trình phát triển CNPT do một số tổ chức xúc tiến đã hình thành nhưng chưa có chương trình nào thật sự hiệu quả, bởi chưa có chính sách nhất quán về phát triển CNPT cũng như chương trình hành động phù hợp. Hầu hết chỉ dừng lại ở các hội thảo khởi động kêu gọi sự chú ý của công luận. DN, đối tượng trực tiếp của các hoạt động này vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ thích đáng cần thiết”, ông Cư nói.

Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tỉnh đang ưu tiên các lĩnh vực kêu gọi thu hút đầu tư vào công nghệ cao, CNPT và các dự án ít sử dụng lao động, ảnh hưởng môi trường. Trong đó, khuyến khích các dự án sản xuất CNPT phục vụ cho nội địa hóa sản phẩm trong nước như dệt may, da giày và nhiều lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao. Hiện nay, UBND tỉnh đã quy hoạch 300 ha trong Khu công nghiệp Bàu Bàng (có đầu tư nhà máy xử lý nước thải hiện đại) để thu hút các ngành CNPT có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như dệt nhuộm, thuộc da, xi mạ…

Tìm hiểu thực tế cho thấy, thời gian qua các cấp, các ngành đã có chuyển biến đáng kể về chính sách vĩ mô trong việc phát triển CNPT. Tuy nhiên, các chính sách đưa ra thực sự đến với DN sản xuất CNPT còn gặp nhiều khó khăn do thiếu tính cụ thể, mức độ khuyến khích vẫn còn thiếu và yếu. Đặc biệt, với Quyết định 12/2011/QĐ-TTg ra đời nhằm hỗ trợ DN phát triển CNPT, nhưng vì nội dung còn chung chung, các hỗ trợ ưu đãi cho DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ gần như không có gì mới so với cho DN nhỏ và vừa nên chưa phát huy tác dụng. Điều mà các DN mong đợi là một văn bản pháp luật cao hơn. Bởi lẽ, văn bản này vẫn chịu sự ràng buộc của các văn bản pháp luật cao hơn như Luật Doanh nghiệp; các quy định của pháp luật về trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa, về công nghệ cao, về các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư...

Không chỉ vậy, sự kết hợp giữa các chính sách nhằm hỗ trợ, tác động tích cực đến ngành CNPT còn yếu. Khả năng tiếp cận các ưu đãi không dễ dàng do thủ tục, quy trình thường phức tạp và thiếu tiêu chí cụ thể. Còn về chính sách ưu tiên hỗ trợ cho ngành công nghiệp hỗ trợ thực ra là tổng hợp các chính sách ưu đãi đã được ban hành trước đó cho một số lĩnh vực khác.

Thúc đẩy phát triển CNPT

Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành CNPT đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Nhưng có thể nhận thấy, rất nhiều mục tiêu mà quy hoạch đề ra đến năm 2010 đã không thực hiện được.

Theo ông Võ Văn Cư, để phát triển ngành CNPT Nhà nước cần đầu tư có trọng điểm về mặt tài chính, công nghệ, nhân lực để tạo điều kiện từng bước hiện đại hóa các ngành, như: Cơ khí chế tạo, điện tử, nhựa, cao su..., đó là những ngành chủ chốt trong việc phát triển các sản phẩm hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc đổi mới chính sách ưu đãi dành cho DN sản xuất các sản phẩm hỗ trợ là hết sức cần thiết. Trong đó, cần tập trung vào việc đổi mới các chính sách chủ yếu như đất đai, tín dụng, thuế. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành CNPT; tăng cường sự liên kết giữa các DN trong quá trình phát triển CNPT; đồng thời hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho CNPT phát triển.

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Giày Thái Bình, để tận dụng và đáp ứng những yêu cầu được hưởng những ưu đãi về thuế suất khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương, tỉnh Bình Dương cần nhanh chóng thành lập các khu, cụm công nghiệp CNPT chuyên biệt. Trong đó có ưu đãi đặc biệt cho các chủ đầu tư khu CNPT; trợ giúp chủ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải hiện đại (vì đa số ngành CNPT gây ô nhiễm môi trường cao như dệt nhuộm, thuộc da, xi mạ), thu hút đầu tư.

Được biết, hiện Bộ Công thương đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ để thay thế cho Quyết định 12/2011/QĐ-TTg và Quyết định 1483/QĐ-TTg. Hy vọng rằng, nghị định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành CNPT tỉnh Bình Dương nói riêng và ngành CNPT Việt Nam nói chung phát triển.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên