Doanh nghiệp còn băn khoăn

Cập nhật: 22-04-2015 | 10:23:17

Tại buổi đối thoại trực tiếp giữa Hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Các nhà doanh nghiệp (DN) Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) do Hải quan Bình Dương tổ chức vừa qua đã nhận được nhiều ý kiến của đại diện DN tỏ ý băn khoăn về dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 20/2014/TT-BKHCN quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng do Bộ Khoa học - Công nghệ (KH&CN) biên soạn.

Theo ông Lê Kim Giàu, Tổng Giám đốc Công ty ACC (phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên), nắp nồi hấp tại Việt Nam chưa có ai sản xuất nên công ty đã tìm mua lại từ một dây chuyền sản xuất gạch do nước ngoài sản xuất đã qua sử dụng. Trong ảnh: Nắp lò hơi do Công ty HASS chế tạo từ bộ phận máy móc đã qua sử dụng. Ảnh: D.CHÍ

Máy móc, thiết bị, công nghệ đã qua sử dụng vẫn cần thiết

Đây là khẳng định của nhiều nhà quản lý, lãnh đạo DN trực tiếp sản xuất tại buổi đối thoại. Các ý kiến còn cho biết, việc quy định như thế nào để tránh việc nhập khẩu bừa bãi máy móc, thiết bị, công nghệ cũ, lạc hậu gây thiệt hại cho nền sản xuất trong nước cần phải có quy định cụ thể để Việt Nam không trở thành bãi rác công nghệ của thế giới.

Tại buổi đối thoại, trả lời câu hỏi của đại diện Công ty Trường Vinh (Đài Loan - Trung Quốc): “Chúng tôi đã nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng để đưa về Việt Nam sản xuất. Nay chúng tôi muốn tiêu thụ lại cho thị trường nội địa thì có cần khai báo với cơ quan hải quan hay không?”, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương cho biết, nếu DN nhập khẩu theo diện ưu đãi, miễn, giảm thuế thì phải khai báo với cơ quan hải quan; còn DN tự đầu tư thì có thể tiêu thụ bình thường theo quy định, không cần khai báo hải quan.

Đưa đoàn chuyên gia của Hiệp hội Xây dựng Việt Nam tham quan nhà máy sản xuất gạch nhẹ ACC của Công ty HASS (phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên), ông Lê Kim Giàu, Tổng Giám đốc công ty này nói: “Dây chuyền sản xuất tại nhà máy là công nghệ của Đức, nhưng trong quá trình lắp đặt chúng tôi vẫn phải lựa chọn, sử dụng nhiều thiết bị sản xuất trong nước, kể cả thiết bị đã qua sử dụng do Trung Quốc sản xuất”. Chỉ vào một thiết bị lớn trong dây chuyền, ông Giàu cho biết thêm, đây là nồi hấp gạch. Nếu nhập nguyên bộ nồi này thì giá rất đắt, công ty đã vận dụng kiến thức và tay nghề của cán bộ, nhân viên đơn vị để chế tạo từ phần thân của một bồn chứa dầu. Nắp nồi hấp tại Việt Nam chưa được sản xuất nên công ty đã tìm mua lại từ một dây chuyền sản xuất gạch do Trung Quốc sản xuất mà một DN đóng tại Lâm Đồng đã đầu tư và ngưng hoạt động. Việc tự chế tạo thiết bị này đã giúp công ty vừa quản lý tốt quy trình vận hành, làm chủ công nghệ và tiết kiệm rất lớn kinh phí đầu tư.

Quy định cần thoáng hơn

Tại dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 20/2014/ TT-BKHCN, Bộ KH&CN đã “nới lỏng” thêm điều kiện chung nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Dự thảo thông tư này quy định điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải có thời gian sử dụng không quá 10 năm (tăng thêm 5 năm so với Thông tư 20) và có chất lượng còn lại từ 70% trở lên (giảm 10% so với Thông tư 20). Các máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ này không nằm trong danh mục cấm nhập khẩu…

Bà Nguyễn Nhật Anh Thư, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Takako Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I, TX.Thuận An) đặt vấn đề: “Trước đây, Thông tư số 20 của Bộ KH&CN quy định về việc nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng quy định quá khắt khe nên đã được bãi bỏ. Nay, chúng tôi có nghe thông tin Bộ KH&CN tiếp tục lấy ý kiến về dự thảo thông tư thay thế; không biết quy định có giống như trước đây hay không. Vấn đề này làm chúng tôi rất băn khoăn lo lắng, rồi bên công ty mẹ cũng không an tâm để lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới”. Chia sẻ với ý kiến này, ông Dương Hồng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương cho biết, dự thảo thông tư này đã qua 3 lần trình ra nhưng đều không được thông qua. Tại hội thảo vừa được tổ chức tại Hà Nội, khi được chất vấn thì đại diện Bộ KH&CN cho biết: Việc ban hành thông tư là nhằm bảo vệ môi trường sản xuất trong nước theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, để Việt Nam không trở thành bãi rác công nghệ của thế giới. Còn cụ thể nội dung như thế nào thì DN cần tham khảo và góp ý trực tiếp với ban soạn thảo, bộ phận chức năng.

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh TP.HCM thông tin thêm, tại hội thảo tổ chức vừa qua tại Hà Nội, có một đại biểu hải quan phát biểu: “Tôi đã đến và làm việc tại 52 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng tại đó, các bạn đều cho biết pháp luật của nước họ không quy định về việc nhập khẩu máy móc thiết bị công nghệ đã qua sử dụng vì đã có luật quy định rõ ràng, cụ thể. Trên thế giới chỉ có Trung Quốc và Việt Nam là có quy định dưới luật về vấn đề này. Vì vậy, cộng đồng DN cần thảo luận, góp ý cụ thể, chi tiết để không gặp khó khăn về sau”.

Chia sẻ với phóng viên Báo Bình Dương, bà Nguyễn Nhật Anh Thư nói: “Tôi thấy quy định như thế là hơi thừa, bởi vì thị trường luôn vận động theo quy luật cung - cầu. Trước đây, xe máy cũ nhập về Việt Nam là mặt hàng bán chạy vì thị trường cần; nay thì ai nhập về làm gì, kể cả bán sắt vụn. Còn trong thực tế sản xuất, có những cái máy, dây chuyền công nghệ dù đã qua sử dụng nhưng trên thị trường không có bán thì làm sao tránh được phải nhập hàng đã qua sử dụng. Cho nên, quy định thêm tỷ lệ phần trăm sẽ gây thêm rắc rối, tiêu cực khi tiến hành thẩm định vì biết phải dựa vào tiêu chuẩn nào để xác định. Vì thế, có thể bỏ quy định này; còn nếu đã là pháp luật phải thi hành thì phải chặt chẽ, khoa học và có giá trị thực tiễn”. 

Ông Trần Ngọc Liêm, Ph Giám đốc VCCI Chi nhnh TP.HCM:

Cần sự góp ý để pháp luật đi vào cuộc sống

Đây là quy định có liên quan đến rất nhiều ngành nghề, DN. Vì vậy, từng DN, hiệp hội ngành nghề cần có ý kiến cụ thể, chi tiết liên quan đến thực tế của mình để góp kiến nghị lên ban soạn thảo để pháp luật đi vào cuộc sống và tránh tình trạng mới ban hành phải sửa.

Tiến sĩ Thượng Văn Hiếu, Gim đốc Sở KH&CN Bình Dương:

Dự thảo lần này khá thoáng hơn trước

So với Thông tư 20 trước đây thì dự thảo lần này khá thoáng. Vấn đề mà DN băn khoăn đã thể hiện rõ: Đối với tổ chức, DN sử dụng vốn ngân sách thì “thời hạn sử dụng từ 8 - 10 năm và trên 80% giá trị sử dụng”; đối với việc đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách thì “thời hạn sử dụng từ 8 - 10 năm hoặc 80% giá trị sử dụng”. Ngoài ra, Bộ Công thương còn có thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên