Dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương: Đạt hiệu quả bước đầu

Cập nhật: 06-03-2015 | 08:31:18

Những năm qua, lãnh đạo tỉnh Bình Dương luôn quan tâm đến việc thu gom, xử lý rác thải, nước thải đô thị nhằm bảo đảm cảnh quan môi trường, sức khỏe của cộng đồng, nhất là khu vực phía nam của tỉnh do có mật độ dân cư cao. Được sự quan tâm, giúp đỡ của hai Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản, các bộ, ngành Trung ương, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và sự nỗ lực của địa phương, Nhà máy xử lý nước thải Thủ Dầu Một đã về đích trước kế hoạch và đã mang lại hiệu quả bước đầu rất tích cực. Hôm nay (6-3), UBND tỉnh tiếp tục tổ chức lễ động thổ giai đoạn II Dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương (gọi tắt là dự án) tại TX.Thuận An với công suất 17.000m3/ngày đêm.

Phát huy hiệu quả

Để thực hiện giai đoạn 1 của dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Thủ Dầu Một, đơn vị thi công phải đào đường để lắp đặt hệ thống thu gom từ các trục đường chính đến những nhánh rẽ vào tận các khu dân cư, nhà trọ tại các phường Phú Cường, Hiệp Thành, Phú Lợi, Phú Hòa, Phú Thọ… của TP.Thủ Dầu Một. Công việc đào đường, lắp đặt đường ống lúc đó đã phần nào tạo sự hoài nghi về tính hiệu quả, tác dụng thiết thực của công trình vì quy mô lớn, nhiều rào chắn bảo vệ giăng khắp nơi, tạo hình ảnh bề bộn, khó nhìn. Chính quyền cùng với chủ đầu tư dự án đã cử cán bộ, nhân viên đến tận nơi để tổ chức tuyên truyền, giải thích và lên tiếng cam kết trên hệ thống thông tin đại chúng của tỉnh. Theo đó, cam kết mặt đường sau khi hoàn thành công trình sẽ được hoàn trả tốt đẹp hơn lúc ban đầu. Việc đào đường lần này bảo đảm lâu dài nhiều năm vẫn không phải đào lại, vì đã được các nhà tư vấn thiết kế tính toán rất kỹ bằng nền tảng hạ tầng ổn định.

Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát hoạt động tại Nhà máy xử lý nước thải Thủ Dầu Một. Ảnh: D.CHÍ

Đến khi công trình hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác, nhiều cơ sở xả thải lớn như nhà hàng, khách sạn, chợ, trung tâm thương mại được đấu nối, người dân rất phấn khởi nhờ giải tỏa được áp lực nước thải không có đường thoát, vốn thường gây khó khăn, ô nhiễm khiến các hộ xung quanh lên tiếng phản ứng.

Ông Trần Văn Minh, ở tổ 4, khu phố 2, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ trước đây, dù trời không mưa nhưng ngoài sân nhà luôn phải hứng chịu nước thải. Thấy ông làm đơn xin đấu nối nước thải, mấy gia đình sống cạnh bên cũng làm theo. Tính ra, chi phí còn rẻ hơn thuê mướn xe đến bơm hút, sửa chữa. Chưa kể, nếu nước thải không được thu gom xử lý, thấm vào lòng đất rồi gia đình lại bơm lên sử dụng thì tiềm ẩn nhiều hiểm nguy cho sức khỏe, cuộc sống. “Bình Dương có được hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải hiện đại đã giúp người dân, doanh nghiệp giải tỏa được bức xúc, tạo ra nếp sống mới văn minh, sạch đẹp”, ông Minh nói.

Nhà máy xử lý nước thải Thủ Dầu Một có công suất thiết kế 17.650m3/ngày đêm. Lộ trình đấu nối theo cam kết giữa chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) với JICA thì đến hết năm 2018, lượng nước thải thu gom về nhà máy để xử lý đạt công suất 9.324m3/ngày đêm. Thực tế, đến thời điểm này, nhà máy đã đạt công suất xử lý 6.000m3/ngày đêm. Dự kiến đến hết năm 2016, công suất xử lý của nhà máy sẽ đạt 10.000m3/ngày đêm và tiếp tục về đích sớm hơn cam kết 2 năm.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Nhà máy xử lý nước thải Thủ Dầu Một, cho biết bằng công nghệ cải tiến dòng liên tục ASBR, nước thải được thu gom về nhà máy xử lý sẽ được tách bùn và các chất lơ lửng để thuận tiện trong việc xử lý. Sau đó, nước thải được chuyển tiếp sang nhà khử trùng. Lượng bùn lắng thải ra được đưa vào bể cô đặc để tách nước và chuyển bùn khô ra ngoài làm nguyên liệu sản xuất phân compose hoặc đốt cháy. Phần còn lại là quy trình xử lý mùi và khử trùng lần cuối bằng công nghệ chemical Scrubber, kết hợp khử trùng bằng tia UV để nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn cột A (QCVN 14:2008/ BTNMT). Các quy trình này đều diễn ra một cách tự động và gần như khép kín nên rất bảo đảm an toàn về mùi, tiếng ồn và các yếu tố kỹ thuật khác. Vì thế, nhà máy mới được phép xây dựng bên bờ sông Sài Gòn và xung quanh các khu dân cư cao cấp.

Tiếp tục triển khai giai đoạn II

Giai đoạn II của dự án được triển khai tại TX.Thuận An là tiểu dự án 2 thuộc dự án Thoát nước và xử lý nước thải cụm đô thị Nam Bình Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư bằng 5 tiểu dự án tại 5 khu vực trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tiểu dự án này có tổng công suất 54.000m3/ngày đêm và được chia làm 3 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn I có công suất 17.000m3/ngày đêm, sử dụng vốn vay Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của JICA theo Hiệp định vay số VN11-P10. Tổng mức đầu tư dự án là 2.300 tỷ đồng; trong đó vốn ODA chiếm 85% và vốn đối ứng của tỉnh là 15%. Trúng thầu thi công dự án là nhà thầu Kobelco Eco-solution (Nhật Bản), cùng với nhà thầu phụ là Công ty Cổ phần Xây dựng số 5. Giai đoạn II của dự án gồm các hạng mục chính: San lấp và xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt công suất 17.000m3/ ngày đêm; xây dựng mạng lưới thu gom nước thải sinh hoạt cho hơn 3.000 ha của TX.Thuận An bao gồm các phường Thuận Giao, Vĩnh Phú, An Phú, Lái Thiêu và Bình Hòa. Giai đoạn này còn có thêm hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt lưu vực kênh Ba Bò nhằm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm đô thị do nước thải, tiến tới hình thành và phát triển đô thị Bình Dương theo hướng văn minh, hiện đại.

Thay mặt chủ đầu tư, ông Nguyễn Văn Thiền, Tổng Giám đốc Biwase cho biết, các nhà thầu thi công dự án có nhiều kinh nghiệm, năng lực tài chính và năng lực thi công trong lĩnh vực nước thải công nghiệp. “Góp phần làm sạch đẹp môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ và hợp tác của các sở ngành, chính quyền địa phương cùng nhân dân để công trình về đích đúng kế hoạch”, ông Thiền nói.

“Trước đây, chợ Thủ Dầu Một rất bẩn do đã xây dựng lâu đời và xuống cấp. Nhờ có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đã giúp chúng tôi đấu nối đến từng ô sạp, đặc biệt là khu vực chợ cá. Có hệ thống thu gom, xử lý nước thải không chỉ các tiểu thương mà người đi chợ cũng rất phấn khởi. Đến nay, chợ cá Thủ Dầu Một đã không còn mùi hôi tanh mà ngược lại, đã khang trang sạch đẹp. Có hệ thống này là tiền đề để công ty xây dựng và phát triển chợ Thủ Dầu Một thành chợ văn minh, sạch đẹp”.

(Bà HUỲNH KIM THẢO, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ - Đô thị Thủ Dầu Một)

 

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên