Hạ tầng giao thông đồng bộ: Tạo động lực để Bình Dương phát triển

Cập nhật: 28-10-2016 | 08:41:22

Theo các nhà chuyên môn, những năm qua, hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ đã đưa tiếng vang của Bình Dương đến với bạn bè quốc tế. Chính vì vậy, nguồn đầu tư vào tỉnh thời gian qua không chỉ tăng về số lượng mà còn tăng cả chất lượng, với sự có mặt của nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới.

 Trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông nhằm tạo động lực cho tỉnh phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn. Trong ảnh: Đường Phạm Ngọc Thạch, TP.Thủ Dầu Một được nâng cấp, góp phần vào sự phát triển của thành phố. Ả nh: XUÂN THI

 Tạo môi trường đầu tư hấp dẫn

Thực tế thời gian qua cho thấy, nhờ hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp được đầu tư trãi đều trên địa bàn tỉnh, nên nhiều doanh nghiệp lớn, uy tín trên thế giới đã lựa chọn Bình Dương là điểm đến để đầu tư. Nguồn đầu tư vào tỉnh thời gian qua không chỉ tăng về số lượng mà còn tăng cả chất lượng, với sự có mặt của nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới như Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) đầu tư hơn 1,2 tỷ USD; Tập đoàn Kumho (Hàn Quốc) đầu tư 128,3 triệu USD; Tập đoàn SCG Cement đầu tư 140 triệu USD…

 Hiện Bình Dương đang tham mưu trình Chính phủ, Bộ GTVT xem xét, điều chỉnh lựa chọn hướng tuyến hợp lý nhất cho các tuyến đường bộ, đường sắt Trung ương quy hoạch đi qua địa bàn tỉnh như Vành đai 3, Vành đai 4, đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh... Tỉnh mong muốn những tuyến đường này bảo đảm các yêu cầu về kinh tế - kỹ thuật, gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch của Trung ương với tình hình và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ lợi thế về hạ tầng phát triển công nghiệp, tỉnh đã mạnh dạn triển khai thực hiện một loạt dự án quan trọng: Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị với tổng diện tích 4.196 ha, trong đó có 1.000 ha trung tâm đô thị; các tuyến đường giao thông huyết mạch như Mỹ Phước - Tân Vạn, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, ĐT746… Nhờ đó đã hình thành bộ khung nhằm thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực thương mại - dịch vụ và đô thị trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đến nay nhiều trung tâm thương mại, siêu thị lớn như AEON Mall Bình Dương Canary, Lotte Mart, Big C, Co.opmart, Metro… đã đi vào hoạt động, góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại và nâng cao chất lượng các hình thức kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Viện Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh cho biết để tạo thêm động lực phát triển, Bình Dương cần nhanh chóng nâng cao tĩnh không cầu Bình Lợi trên sông Sài Gòn và cầu Gềnh trên sông Đồng Nai nhằm bảo đảm cho các tàu có trọng tải lớn lưu thông. Từ đó góp phần khai thác triệt để tiềm năng tại các cảng mà Bình Dương đã đầu tư như Thạnh Phước, An Sơn, Bà Lụa, Bạch Đằng… Bên cạnh đó, kiến nghị các bộ ngành và địa phương liên quan sớm triển khai xây dựng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Campuchia gắn với cải tạo nút giao thông Gò Dưa (TP.Hồ Chí Minh) và cầu vượt Sóng Thần; sớm hoàn thành tuyến vành đai 3, tuyến N2 (đường nhánh Hồ Chí Minh) từ Tây nguyên - Bình Phước đi đồng bằng sông Cửu Long qua địa bàn huyện Dầu Tiếng và tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, kết nối về Thành phố mới Bình Dương.

Các chuyên gia cho rằng với đặc thù là địa phương có nhiều công ty sản xuất và giáp với TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương hoàn toàn có thể trở thành “trung tâm bán sỉ” tốt nhất của cả nước. Để phát triển theo hướng này, Bình Dương nên đề nghị với các bộ, ngành Trung ương chấp thuận cơ chế đặc thù, bao gồm việc miễn thuế cho các doanh nghiệp sản xuất tham gia vào “chuỗi” liên kết hoạt động thương mại. Sự phát triển của “chuỗi” thương mại này sẽ tạo ra ưu thế vượt trội, độc đáo cho tỉnh, kéo theo sự phát triển về dịch vụ, đô thị… Bên cạnh đó, tỉnh cần thiết lập hệ thống thông tin trao đổi giữa các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, khoa học, các doanh nghiệp và nhà đầu tư; định kỳ hàng năm tổ chức các hội thảo, hội nghị bàn về những vấn đề chiến lược cả vùng và từng địa phương ở khu vực phía Nam.

Giao thông tăng tốc

Đến nay, hệ thống đường bộ của Bình Dương có tổng chiều dài gần 7.500km, bao gồm 3 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài qua địa bàn tỉnh là 77,1km; 14 đường tỉnh có chiều dài gần 450km; hệ thống đường huyện, đường đô thị dài hơn 1.000km và hệ thống đường xã dài gần 3.400km. Nhìn chung hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh hiện nay tương đối đồng bộ, đáp ứng nhu cầu giao thông nội tỉnh và kết nối với các đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải (GTVT), cho biết xác định vai trò, vị trí quan trọng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong sự nghiệp công nghiệp hóa, đô thị hóa tỉnh nhà, ngay từ khi tái lập, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo ngành GTVT và các cấp, các ngành hữu quan xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển GTVT trên địa bàn tỉnh gắn với quy hoạch phát triển GTVT của quốc gia và khu vực. Đồng thời, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các quy hoạch ngành, lãnh thổ liên quan nhằm góp phần đắc lực cho sự nghiệp phát triển toàn diện của tỉnh nhà.

Đối với giao thông đối ngoại, trong thời gian tới Bình Dương sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng những trục và công trình giao thông đối ngoại của tỉnh trên các hướng bắc - nam, đông - tây; đồng thời phối hợp với bộ, ngành liên quan của Trung ương để đầu tư xây dựng các đường vành đai kết nối TP.Hồ Chí Minh và các trung tâm kinh tế, đô thị, cảng nước sâu, sân bay quốc tế trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng và phát triển các cảng cạn (ICD) tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn theo quy hoạch được duyệt nhằm nâng cao năng lực lưu thông hàng hóa qua các đầu mối giao thông trọng điểm. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, đô thị tỉnh nhà trong giai đoạn 2016-2020. Về giao thông đối nội, tỉnh tập trung mọi nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh, hướng tâm và xuyên tâm, kết nối với trung tâm Thành phố mới Bình Dương với các trung tâm đô thị, công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận; đồng thời kết nối giữa các khu công nghiệp, đô thị, khu dân cư với nhau và với các vùng nguyên liệu, vùng nông thôn…

Để đạt được kết quả nói trên, UBND tỉnh tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, kết nối thông suốt hệ thống đường huyện, đường tỉnh và đường quốc gia; giữa các đô thị và vùng nông thôn. Cùng với đó đưa công nghiệp tỉnh nhà phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực và xây dựng thành công nông thôn mới.

 Theo kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới, tốc độ phát triển giao thông phải cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP từ 2 - 4%. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới và nhiều tổ chức quốc tế cho rằng Việt Nam nên đầu tư cho giao thông cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 3 - 4%. Các chuyên gia thì lưu ý, về nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, nước ta cần dựa trên cơ sở phát huy nội lực là chủ yếu, đồng thời coi trọng và tranh thủ các nguồn vốn nước ngoài.

 PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên