Khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp sơn mài bảo vệ môi trường

Cập nhật: 12-07-2016 | 08:29:10

Bên cạnh các khu, cụm công nghiệp có nhiều nhà máy “xanh”, “sạch”, có dây chuyền công nghệ hiện đại, có hệ thống xử lý nước thải tươm tất, vẫn còn các làng nghề truyền thống có công nghệ lạc hậu, tác động xấu đến môi trường. Thực hiện chủ trương bảo tồn các làng nghề truyền thống của tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC & TVPTCN) đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho Công ty TNHH MTV Sơn mài Mỹ nghệ Tư Bốn ở Làng Sơn mài Tương Bình Hiệp.

Giữ gìn thương hiệu tập thể gắn với bảo vệ môi trường

Nghệ nhân Lê Bá Linh - Phó chủ tịch Hiệp hội Sơn mài, Điêu khắc, Bình Dương cho biết: “Những năm 90, Làng nghề Tương Bình Hiệp có hơn 400 hộ dân theo làm nghề sơn mài, 90%  người dân trong làng làm việc có liên quan tới sơn mài. Không khí nhà nhà, người người làm sơn mài làm nhộn nhịp hẳn vùng quê nghèo trong những năm đầu đất nước đổi mới”. Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp tính đến nay đã hình thành và phát triển được gần 200 năm. Vào những năm đầu thế kỷ XX đã làm cho Thủ Dầu Một, Bình Dương nổi tiếng khắp cả nước về văn hóa truyền thống trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp được làm theo phương pháp thủ công, vừa tinh xảo, vừa bền. Trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi, Làng sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn tồn tại đến hôm nay. Sự sáng tạo, óc thẩm mỹ của những người thợ ngày càng mang lại nhiều sự mới lạ cho các sản phẩm. Ngoài cách làm sơn mài truyền thống khảm vỏ ốc lên gỗ, thì những nghệ nhân, người thợ còn dùng những chất liệu cẩn khảm từ tre, nứa, vỏ cây, để tạo ra nhiều sản phẩm bình, chậu, tranh… khác nhau. Hiện các DN ở làng sơn mài đang tạo ra nhiều sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú, phù hợp với yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Cũng chính nơi đây đã sản sinh ra nhiều thế hệ nghệ nhân tài hoa, đưa sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp đi nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản…

Lãnh đạo Trung tâm KC & TVPTCN Bình Dương cho biết: Mặc dù sơn mài được ưa chuộng tại thị trường trong nước và thế giới, mang lại giá trị kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với làm nông nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ thuận với sự phát triển là sự gia tăng ô nhiễm môi trường, tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Sản xuất ngày càng phát triển kéo theo việc sử dụng khối lượng lớn sơn các loại, nước thải sản xuất sơn mài chứa bụi mài nhỏ mịn, làm tăng hàm lượng cặn. Nước thải từ quá trình nhuộm và nhúng bóng sản phẩm chứa nhiều chất gây ô nhiễm như dung môi, dầu bóng… Hàm lượng COD và BOD5 trong nước thải của việc sản xuất vượt tiêu chuẩn cho phép. Hiện các DN trong các làng nghề truyền thống tại địa phương có cơ sở hạ tầng, cũng như hệ thống xử lý chất thải không được bảo đảm. Đặc biệt là vấn đề xử lý nước thải chưa được các DN chú trọng do chi phí đầu tư, vận hành cao, áp lực về ô nhiễm môi trường lại càng nặng nề!

Bằng sự cố gắng tự cứu mình của mỗi nghệ nhân, doanh nghiệp

Ông Lê Bá Linh, cũng là Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn mài Mỹ nghệ Tư Bốn cho biết: Đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường, gắn DN với trách nhiệm xã hội là tự cứu mình, tiến tới vực dậy làng nghề. Để khắc phục tình trạng gây ô nhiễm và hướng đến sản xuất bền vững, công ty đầu tư xây dựng hệ thống nước sản xuất tập trung, có công suất 5m3/ngđ. Do kinh phí cao nên DN đã xin hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương để xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tổng chi phí đầu tư công trình xử lý nước thải tại công ty là: 280.170.000đ, trong đó, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 70 triệu đồng.

Ông Linh cho biết: "Khách hàng là các công ty từ những nước nhập khẩu khó tính ở các vùng lãnh thổ Châu Âu, Châu Mỹ… trước khi đặt hàng thường sẽ đi khảo sát xem những đối tác họ muốn đặt hàng có tuân thủ theo những điều kiện về nhà xưởng, công nhân, giữ vệ sinh môi trường xung quanh… Nên khi được chương trình khuyến công hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sản xuất công ty đã nâng cao vị thế, góp phần ổn định những đơn hàng, giải quyết việc làm ổn định cho công nhân 40 - 60 lao động trực tiếp”.

Từ khi đầu tư hệ thống xử lý nước thải đúng chuẩn, Công ty TNHH MTV Sơn mài Mỹ nghệ Tư Bốn ngày càng ăn nên làm ra. Đây là một trong những đơn vị có sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNT cấp tỉnh hàng năm. Có thể nói đây là đơn vị tiên phong của Làng nghề Sơn mài Truyền thống Tương Bình Hiệp trong việc thực hiện phát triển sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường. Và cũng nhờ đầu tư bảo vệ môi trường mà vị thế công ty tăng lên trong mắt của khách hàng, đối tác. Từ đó, hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng gia tăng.

Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là cái nôi bảo tồn nét đẹp nghệ thuật sơn mài cổ truyền của Bình Dương nói riêng, Việt Nam nói chung. Trong khi kinh tế ngày càng phát triển theo chiều hướng công nghiệp hóa, thì việc bảo vệ được nét đẹp nghệ thuật dân tộc, kết hợp bảo vệ môi trường như Công ty Tư Bốn cần được nhân rộng. Cùng với sự hỗ trợ của chương trình khuyến công, mong các DN ở các làng nghề truyền thống sẽ làm cho nét đẹp đó trở nên trong sáng, trọn vẹn hơn cùng với ý thức bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

NGUYỄN ẢNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên