Mỹ rút quân sau gần một thập kỷ chiếm đóng Iraq

Cập nhật: 23-10-2011 | 00:00:00

Sau hơn 8 năm chinh chiến tại Iraq, toàn bộ 39.000 quân nhân Mỹ đang đồn trú tại Iraq sẽ được trở về nhà vào cuối năm nay. Hàng loạt ý kiến trái chiều được đưa ra sau tuyên bố rút quân của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Quyết định của ông B.Obama đưa ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ và Iraq không đạt được thỏa thuận giữ lại hàng ngàn binh lính Mỹ phục vụ cho các hoạt động đặc biệt và công tác huấn luyện sau ngày 31-12-2011, thời hạn chót Mỹ rút quân toàn bộ khỏi Iraq. Hiện có 39.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Iraq, ít hơn 100.000 người so với thời điểm ông Obama nhậm chức năm 2009.

  Lính Mỹ trên đường ra căn cứ không quân Sather ở thủ đô Baghdad (Iraq) trở về nước ngày 2-8-2011.Sắp tới, Mỹ sẽ chỉ để lại khoảng 200 lính thủy đánh bộ để bảo vệ khu Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad cùng số lượng ít những người cung cấp các mặt hàng quân sự. Ngoài ra, khoảng 16.000 nhân viên ngoại giao và nhà thầu dân sự của Mỹ cũng tiếp tục ở lại Iraq. “Sau gần 9 năm, cuộc chiến tại Iraq sắp sửa kết thúc. Toàn bộ binh sĩ Mỹ tại Iraq sẽ trở về nhà để nghỉ ngơi”, ông Obama nói.

Phe bảo thủ phản đối

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain phản đối ông Obama và cho rằng quyết định rút quân sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lợi ích của Mỹ tại Trung Đông. Frederick Kagan, một học giả của Viện American Enterprise (Mỹ) theo đường lối bảo thủ cũng đồng quan điểm với ông McCain và nhận định Mỹ sẽ rơi vào thế yếu trong cuộc đối đầu với Iran sau lệnh rút quân của ông Obama. Trong khi đó, các ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ năm 2012 như Mitt Romney, Rick Perry và Michele Bachmann đều cho rằng quyết định của ông Obama mang nặng tính chính trị chứ không phải vì an ninh.

Theo AFP, quyết định rút quân của Mỹ đặt ra hàng loạt các dấu hỏi về vấn đề an ninh như: khả năng bảo vệ người dân của quân đội và lực lượng an ninh Iraq trong bối cảnh bạo lực vẫn xảy ra thường xuyên; xung đột giữa các sắc tộc Kurd và Ảrập, Sunni và Shiite tại Iraq có khả năng bùng phát trở lại…

Quyết định của Mỹ được đưa ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mở các cuộc phản công phiến quân người Kurd tại khu vực phía Bắc Iraq. Mahmoud Othman, một nghị sĩ độc lập Iraq cho rằng Mỹ rút quân là để giúp Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược Iraq.

Người dân vui mừng

Quyết định của ông Obama nhận được sự đồng tình của đa số người dân và quan chức đảng Dân chủ Mỹ. Các ý kiến độc giả gửi lên tờ Forbes của Mỹ đều tỏ rõ sự hân hoan khi được chào đón những người con trở về nhà. “Hoan hô Tổng thống Obama, ông đã thực hiện đúng lời hứa. Chúng ta cần phát triển kinh tế chứ không phải tiêu tiền vào chiến tranh”, một độc giả ở Texas bày tỏ ý kiến của mình.

Trong khi đó, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi thì cho rằng Thỏa thuận an ninh Mỹ-Iraq đã đáp ứng được nguyện vọng người dân Mỹ: đưa binh lính Mỹ trở về nhà. Cuộc chiến tại Iraq hơn 8 năm qua đã cướp đi sinh mạng 4.469 lính Mỹ, hơn 32.200 người bị thương, tiêu tốn 800 tỷ USD tiền thuế của người dân Mỹ. Chính vì thế, quyết định của ông Obama nhận được sự ủng hộ của đông đảo dân chúng Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang sa sút.

Vui mừng hơn cả là người dân Iraq. Hãng AFP dẫn lời ông A.Munshid al-Assi, người đứng đầu bộ lạc al-Obeid ở TP Kirkuk (Bắc Iraq), cho hay đây là một thời khắc lịch sử. Ông al-Assi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi thoát khỏi sự chiếm đóng của ngoại quốc và từ nay Iraq có thể tự quyết về vận mệnh của chính mình. Còn Abu al-Hamza, một quân nhân Iraq đã xuất ngũ, sống tại Tikrit thì cho rằng Mỹ đã mang quá nhiều rắc rối đến Iraq và việc Mỹ rút lui sẽ giúp cuộc sống của người dân Iraq được cải thiện trong tương lai.

Kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh tại Iraq năm 2003, đã có hàng triệu người Iraq thương vong trong những cuộc tấn công đẫm máu. Vài năm trở lại đây, tình hình bạo lực đã có dấu hiệu đi xuống so với thời kỳ 2006-2007 nhưng các cuộc tấn công vẫn diễn ra thường xuyên.

Tổng hợp

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên