Ngành Da giày Bình Dương: Nhiều lợi thế trong năm 2019

Cập nhật: 23-01-2019 | 21:37:34

Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), dự kiến trong năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày có thể đạt trên 21 tỷ USD, trong đó Bình Dương đóng góp đến 10%.

 Chú trọng đổi mới công nghệ

Theo các chuyên gia, nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển hướng sang phát triển chiều sâu bằng các chính sách ưu tiên để phát triển công nghiệp công nghệ cao. Các lĩnh vực không còn được Trung Quốc ưu ái là dệt may, da giày... Xu hướng này có thể thấy từ năm 2010, khi các thương hiệu da giày lớn trên thế giới như Adidas, Nike... đã đầu tư vào Trung Quốc chuyển sang Việt Nam, Indonesia...

 Hoạt động sản xuất tại Công ty da giày Đông Hưng. Ảnh: XUÂN THI

Thực tế cho thấy, hiện có hơn 40% đơn hàng giày trên thế giới của thương hiệu Adidas, Nike... có nguồn gốc từ Việt Nam. Xu hướng này sẽ tiếp tục tiếp diễn tại các nước Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa kết thúc.

Ở khu vực phía Nam, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương tập trung nhiều doanh nghiệp xuất khẩu da giày lớn. Tại Bình Dương, trong năm 2018 đã đón nhận nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực dệt may, da giày... Tuy vậy, doanh nghiệp da giày trong nước còn nhiều yếu kém, hiện nay khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang chiếm hơn 80% giá trị kim ngạch xuất khẩu da giày - túi xách. Theo các chuyên gia, nếu không cải tiến công nghệ, tăng năng suất lao động, chủ động tìm kiếm thị trường... doanh nghiệp trong nước “thua” ngay trên sân nhà.

Tăng cường liên kết

Năm 2018, các thị trường mà Việt Nam có kim ngạch tăng cao là Mỹ (tăng trên 10%), Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản (tăng trên 20%). Trong số các thị trường này, Mỹ chiếm hơn 35% giá trị xuất khẩu da giày - túi xách của Việt Nam. Mặc dù vậy, việc Mỹ chưa tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng khiến ngành da giày trong nước ít nhiều bị ảnh hưởng.

Tuy vậy, khi CPTPP có hiệu lực, 78% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Canada sẽ được hưởng thuế suất 0% hoặc được hưởng mức cắt giảm 75% so với mức thuế suất hiện tại. Riêng ngành da giày trong nước, Nhật Bản cam kết thuế suất được giảm dần đều và xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 16 kể từ khi hiệp định này có hiệu lực…

Theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội da giày - túi xách Bình Dương, ngành giày dép đang có cơ hội lớn đón nhận khối lượng đơn hàng sản xuất. Tuy nhiên, các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài dường như chỉ tạo sân chơi cho các nhà sản xuất quy mô lớn, còn những doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước không có cơ hội tham gia. Do vậy, các doanh nghiệp da giày trong nước cần liên kết, hợp tác để cùng nỗ lực, chia sẻ trách nhiệm vươn lên, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

 XUÂN VĨ 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên