Phát triển thị trường Khoa học - Công nghệ: Cần chú trọng tính thực tiễn

Cập nhật: 08-02-2018 | 10:01:21

Để thị trường KHCN phát triển mạnh, Bình Dương tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức KHCN, doanh nghiệp KHCN phát triển, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia thị trường KHCN.

Tiềm năng lớn

Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có gần 29.000 doanh nghiệp (DN) trong nước và hơn 3.000 DN đầu tư nước ngoài. Đây được coi là một thị trường màu mỡ cho việc hình thành và đẩy mạnh hoạt động của thị trường KHCN.

Các chuyên gia cho rằng, việc tổ chức các hội chợ cũng là kênh để các doanh nghiệp tiếp cận, chuyển giao KHCN trong sản xuất. Trong ảnh: Hội chợ Máy móc và gỗ nguyên liệu Việt Nam tại Bình Dương. Ảnh: HOÀNG PHẠM

Tính đến nay, Sở KHCN đã xác nhận 24 hợp đồng chuyển giao công nghệ (CGCN) từ nước ngoài. Tuy vậy, ông Lê Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở KHCN nhìn nhận, mặc dù thị trường KHCN tại Bình Dương đã bước đầu hình thành nhưng chưa phát triển mạnh, hoạt động của sàn giao dịch công nghệ của tỉnh (địa chỉ: www. techmartbinhduong.vn) chỉ mang tính thử nghiệm. Ngoài ra, các DN trong nước chưa thể hiện được vai trò là chủ thể chính của thị trường KHCN, thậm chí chưa tham gia thị trường KHCN với tư cách là bên cầu chứ chưa nói đến vai trò là bên cung trên thị trường.

Bên cạnh đó, đầu tư của DN trong nước trên địa bàn tỉnh cho nghiên cứu, triển khai, chuyển giao KHCN còn ít, chưa mạnh dạn đổi mới KHCN, thiếu sự quy hoạch, chiến lược, gắn kết giữa đầu tư KHCN với chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh của DN. Điều quan trọng là, trên địa bàn tỉnh chưa hình thành được liên kết cung - cầu giữa DN với các nhà khoa học, viện, trường đại học… để chuyển giao, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu KHCN có tính khả thi, hiệu quả trong thực tiễn.

Tăng cường tính thực tiễn

Hiện nay, trên cả nước có 11 sàn giao dịch công nghệ đang hoạt động tại các tỉnh, thành, trong đó có 1 sàn giao dịch công nghệ quốc gia. Hầu hết các sàn giao dịch này hoạt động với tư cách là một đơn vị sự nghiệp KHCN thuộc Sở KHCN. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ KHCN, các sàn này chủ yếu tập trung vào trưng bày, giới thiệu các thiết bị công nghệ, sản phẩm công nghệ của các công ty trong và ngoài nước.

Do đó, để đẩy mạnh phát triển thị trường KHCN trên địa bàn tỉnh, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức KHCN, doanh nghiệp KHCN phát triển, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia thị trường KHCN; các ngành chức năng của tỉnh cần thực hiện việc điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, xác định đối tượng tiềm năng của hoạt động thị trường KHCN từ thực tiễn. Trên cơ sở đó xây dựng, cập nhật nguồn cung - cầu công nghệ trên sàn công nghệ của tỉnh.

Ông Cường cho biết thêm, để tạo sự kết nối giữa cung - cầu, Sở KHCN sẽ triển khai hỗ trợ kết nối giữa các trường đại học, cao đẳng với các tổ chức KHCN, các DN nhằm đưa ra các sản phẩm, các công nghệ phù hợp với thực tiễn và tạo điều kiện thúc đẩy ươm tạo công nghệ. Sở cũng hỗ trợ thành lập DN KHCN và tổ chức các hội chợ, triển lãm KHCN để tạo điều kiện cho các hoạt động trao đổi, chuyển giao KHCN.

 KHÁNH ĐĂNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên