Quản lý nguồn rác thải từ sản xuất nông nghiệp: Hiệu quả rõ rệt

Cập nhật: 21-12-2016 | 21:29:04

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Dự án quản lý nguồn rác thải từ sản xuất nông nghiệp tại 30 xã nông thôn mới trên địa bàn, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường trên đồng ruộng, khu vườn, từng bước xóa bỏ tình trạng nông dân vứt bỏ vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường…

 

 

 Kiểm tra hố thu gom rác thải từ sản xuất nông nghiệp sau sử dụng tại xã An Bình, huyện Phú Giáo

 Để Dự án quản lý nguồn rác thải từ sản xuất nông nghiệp đi vào cuộc sống, ngay từ đầu năm 2014, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã tiến hành điều tra tình hình sử dụng thuốc, hướng dẫn cách xử lý vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón ở từng hộ nông dân; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho nông dân về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; những nguy hại khi vứt bỏ bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật tràn lan trên đồng ruộng. Song song đó, chi cục cũng tuyên truyền, kêu gọi bà con phát huy ý thức tự giác trong việc thu gom rác thải bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn cho nông dân nơi bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời hướng dẫn cách phân loại rác thải, tránh để lẫn sẽ gây khó khăn trong việc xử lý.

  Dự án mô hình quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng bảo đảm vệ sinh an toàn môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2014-2016 được bắt đầu triển khai từ tháng 6-2014. Đây là dự án do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh làm chủ nhiệm. Trong sản xuất nông nghiệp, vỏ chai lọ, bao gói đựng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trở thành loại rác thải đặc thù, độc hại, ảnh hưởng xấu đến con người, vật nuôi, an toàn thực phẩm và môi trường. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý nguồn rác thải nói trên lâu nay hầu hết thực hiện thiếu khoa học, tự phát, quản lý lỏng lẻo, dẫn đến gây ô nhiễm môi trường trên đồng ruộng và độc hại cho nông dân.

Theo đó, chi cục đã lắp đặt 60 hố thu gom rác thải từ sản xuất nông nghiệp tại 5 xã điểm ở các vùng trồng cây chủ lực lúa, rau màu, cây ăn trái, cao su của các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên và 2 TX.Thuận An và Tân Uyên. Rác thải sau khi thu gom sau mỗi vụ tại các hố này được mang đi tiêu hủy tại Nhà máy xử lý rác thải môi trường Bình Dương. Một số cán bộ chi cục phụ trách dự án cho biết, sau thời gian thực hiện lắp đặt hố thu gom rác thải, hiệu quả mang lại rất rõ. Phần lớn bà con nông dân ý thức được lợi ích mang lại trên cánh đồng, khu vườn xanh, sạch. Quan trọng hơn là bà con đều an tâm về sức khỏe, cuộc sống của mình khi sử dụng nó.

Trao đổi với chúng tôi những hiệu quả mang lại, lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh còn đánh giá, việc triển khai thực hiện Dự án quản lý nguồn rác thải từ sản xuất nông nghiệp có nhiều thuận lợi. Thuận lợi trước hết là được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành và bà con nông dân. Đây cũng là một trong những tiêu chí trong quá trình xây dựng nông thôn mới của các xã về bảo vệ môi trường. Vì vậy, hầu hết bà con nông dân đã xem đó là việc làm hàng ngày, tuy nhỏ nhưng mang lại hành động lớn, thiết thực trong cuộc sống chính mình. Thế nhưng vẫn còn đó một số nông dân do ý thức về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Thói quen bỏ rác sinh hoạt như kiếng bể, vỏ chai vào hố thu gom rác thải vẫn còn trong một số bà con.

Nhằm giúp cho bà con nông dân tiếp tục nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, cán bộ chi cục phụ trách dự án còn cho biết, năm nay, chi cục đã đầu tư tổ chức lắp đặt 360 hố thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tập trung trên đồng ruộng và 30 nhà chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật, phân bón lớn tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo dự kiến từ nay đến cuối năm, chi cục sẽ tiến hành bàn giao cho 30 xã nông thôn mới. Như vậy, mỗi xã sẽ có 12 hố thu gom rác thải từ sản xuất nông nghiệp và 1 nhà chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường trên đồng ruộng, khu vườn của mình xanh, sạch hơn.

Ngoài ra, chi cục cũng đã tổ chức 80 lớp tập huấn cho khoảng 4.000 nông dân, đồng thời phát khoảng 5.000 tờ rơi và treo 100 pa-nô tại các xã nông thôn mới, với mục tiêu là góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán của người dân trong việc thu gom, xử lý rác thải bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường nông nghiệp và cảnh quan nông thôn mới. Qua đó ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và suy thoái môi trường, nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng, tạo ra sản phẩm nông sản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

 P.V

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên