Xã An Sơn, TX.Thuận An: Tạo điều kiện cho kinh tế hợp tác phát triển

Cập nhật: 20-09-2017 | 08:27:33

Với tổng diện tích đất nông nghiệp khá lớn (gần 379 ha/577 ha diện tích tự nhiên), xã An Sơn là địa phương có diện tích vườn cây ăn trái đặc sản lớn nhất của TX.Thuận An. Những năm qua, trong cơ cấu kinh tế của xã, nông nghiệp, dịch vụ đô thị là lĩnh vực đóng góp chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 Xã An Sơn rất chú trọng nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị. Trong ảnh: Đại diện Hội Nông dân xã An Sơn tìm hiểu tình hình thu hoạch hoa lan tại hộ chị Phạm Thị Hồng Yến, ấp An Mỹ. Ảnh: THANH HỒNG

 Tạo cơ hội cho nhà vườn

Xác định được tầm quan trọng của việc phát triển và nâng cao giá trị của ngành nông nghiệp, xã An Sơn đã tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tham gia vào quá trình sản xuất nông sản hàng hóa bằng việc thực hiện các mô hình, thành lập tổ hợp tác chăm sóc vườn cây ăn trái, hoa kiểng, hoa lan... Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã đã phối hợp với các ngành, đoàn thể tăng cường hỗ trợ cây giống, triển khai kịp thời các chính sách khôi phục vườn cây ăn trái của tỉnh, thị xã, hỗ trợ người trồng cây ăn trái đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất... hướng đến bảo tồn chất lượng trái cây, vùng trồng cây ăn trái trên địa bàn. Nhờ đó, nhiều nhà vườn trong xã có cơ hội phát triển trở lại và theo hướng tập trung.

Trong niềm vui nhận được tiền hỗ trợ chăm sóc mương, vườn (năm 2016) từ tỉnh và TX.Thuận An hỗ trợ, chị Võ Thị Thủy, ở ấp An Hòa, xã An Sơn, cho biết khu vườn của gia đình chị rộng hơn 2.000m2, trồng măng cụt, dâu xanh, mấy năm gần đây cho thu nhập tương đối khá. Nhờ hệ thống nước dẫn nội đồng và đê bao được Nhà nước quan tâm cải thiện nên vườn cây ăn trái của gia đình chị và các gia đình trong xã đã cho thu nhập ổn định trở lại.

Đối với chương trình củng cố, xây dựng tổ chức hội và phát triển hội viên tham gia vào hợp tác xã, tổ hợp tác, thời gian qua cũng được xã An Sơn xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, xã đã tăng cường công tác tuyên truyền vận động phát triển hội viên, bởi đây là một trong những kênh vừa tạo việc làm lâu dài lao động địa phương, vừa mở ra hướng thoát nghèo cho bà con trong vùng. Bên cạnh đó, An Sơn luôn quan tâm phát triển các mô hình kinh tế nhằm khuyến khích, hỗ trợ để các hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn phát triển.

Hiện xã An Sơn có 1 hợp tác xã đang hoạt động với 7 thành viên và 10 tổ hợp tác với 115 thành viên, hoạt động trong các lĩnh vực trồng trọt, cây kiểng, nuôi cá kiểng, nuôi lươn, chăm sóc vườn cây…Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã còn có các câu lạc bộ trồng cây ăn trái chất lượng cao, nhà nông, nông dân với pháp luật... Các câu lạc bộ này được Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Hỗ trợ nông dân… tạo điều kiện thuận lợi vay vốn để ổn định sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi…

Quan tâm hỗ trợ nguồn vốn vay

Chị Phạm Thị Hồng Yến, ở ấp An Mỹ, xã An Sơn, cho biết chị đến với nghề trồng hoa rất tình cờ. Khi tham quan các mô hình trồng hoa, chị nhận thấy trồng phong lan Mokara cắt cành không chỉ “hái ra tiền” mà còn làm đẹp cho đời. Chị đã tranh thủ học hỏi kinh nghiệm ở các vườn lan, tự mày mò tìm tòi sách hướng dẫn, đồng thời được chính quyền địa phương hỗ trợ, sau 5 năm, với trên 5.000 cây phong lan Mokara cắt cành trồng trên gần 1.000m2 tại vườn nhà, chị đã có thu hoạch trên 10 triệu đồng/tháng. Theo chị Yến, trồng loài hoa này ít tốn thời gian chăm sóc nhưng thu lợi hơn hẳn so với các loài hoa khác; khi cây đã lên xanh tốt, đến kỳ (1 tuần) cứ thế trổ bông là thu hoạch....

Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Sơn, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát triển mô hình kinh tế hợp tác ở xã vẫn còn gặp những khó khăn. Khó khăn trước hết là các tổ hợp tác đều hình thành ở quy mô nhỏ. Trong quátrình hoạt động, các tổ hợp tác còn thiếu gắn bó với nhau, chưa có sự liên kết, hỗ trợtrong hệ thống để tổchức sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, tuy đã có chính sách hỗ trợphát triển tổ hợp tác, hợp tác xã nhưng việc nhân rộng các mô hình sản xuất chưa được rộng rãi do chi phí đầu vào tương đối cao, đầu ra chưa bảo đảm nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư…

Chính vì thế, địa phương rất cần TX.Thuận An và các ngành chức năng tiếp tục quan tâm, hỗ trợ địa phương về vốn vay và hỗ trợ thêm nhiều mô hình cây giống, con giống phù hợp với địa phương. Bên cạnh đó, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp nông dân trong xã có điều kiện, cũng như có thêm nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt và chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình, góp phần giữ vững và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí xã nông thôn mới mà xã đã đạt được.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên