Bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm tăng

Cập nhật: 11-09-2014 | 09:46:14

Hầu hết các loại bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM), sởi, viêm đường hô hấp… vẫn còn tăng. Điều này ngoài việc tăng dân số cơ học thì vệ sinh môi trường chưa bảo đảm cũng là một nguyên nhân khiến bệnh truyền nhiễm gia tăng bởi dễ lây lan.

Những ngày qua, do Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh sửa chữa, xây dựng mới một số phòng, khoa, phòng chờ khám nên có sự sắp xếp tạm thời các phòng làm việc, phòng bệnh. Thế nên nhiều khoa có tình trạng bệnh nhân (BN) phải nằm hành lang do quá đông, phải kê thêm giường. Khoa Nhi của bệnh viện vẫn trong tình trạng quá tải ở khu khám, khu điều trị nội trú. Bệnh lý thường gặp vẫn là các bệnh truyền nhiễm SXH, TCM, sởi và các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy…

Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt khám cho bệnh nhi tại phòng khám cấp cứu

của khoa Nhi BVĐK tỉnh. Ảnh: Q.NHƯ

Theo số liệu thống kê từ phòng kế hoạch tổng hợp của BVĐK tỉnh, 6 tháng đầu năm 2014, bệnh TCM là 698 ca, SXH 593 ca, sởi 965 ca. So sánh với cùng kỳ năm 2013, TCM có 505 ca, SXH 465 ca và sởi 1 ca. Riêng số liệu tháng 7 năm nay cho thấy, TCM có 132 ca, SXH 110 ca, sởi 132 ca. Trong tháng 8 và đầu tháng 9 các bệnh này vẫn tăng. Theo đó, các loại bệnh truyền nhiễm mỗi năm đều tăng. Đặc biệt riêng bệnh sởi năm 2013 chỉ ghi nhận 1 ca thì năm nay có hơn 1.000 ca mắc bệnh phải điều trị tại BVĐK tỉnh.

Lý giải nguyên nhân bệnh truyền nhiễm tăng, các bác sĩ cho biết do tình hình tăng dân số cơ học, BN không yên tâm điều trị tuyến dưới dẫn đến tình trạng tăng số lượng BN cả đến khám lẫn điều trị nội trú. Tại khoa Nhi của BVĐK tỉnh, ngoài các bệnh nhi bị những bệnh truyền nhiễm, nhiều trẻ còn mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy cấp. Anh Lê Văn Hiếu, cha một bệnh nhi cho biết con gái anh đang học mầm non mới nhập học hơn tuần thì mắc bệnh, bé bị ho, sốt, sổ mũi nên anh lo lắng đưa con đi khám để yên tâm. Con anh được bác sĩ chẩn đoán viêm họng, viêm đường hô hấp và cho điều trị ngoại trú đồng thời bác sĩ cũng dặn dò xét nghiệm máu để theo dõi có bị bệnh SXH hay không.

Bác sĩ Nguyễn Văn Nhưỡng, khoa Nhi BVĐK tỉnh tư vấn, trong thời điểm mùa mưa cũng là mùa tựu trường, phụ huynh chú ý chăm sóc con thật kỹ. Cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và giữ vệ sinh thân thể thật tốt. Phòng học, phòng ngủ thoáng mát, thông gió. Các trường cần chú ý phát hiện sớm trường hợp trẻ bị bệnh truyền nhiễm để tránh lây nhiễm ra cộng đồng. B.S Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh, khuyến cáo các bậc phụ huynh trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ. Tập thói quen rửa tay bằng xà phòng mỗi ngày cho trẻ cũng là một trong những cách ngăn ngừa bệnh hiệu quả. Môi trường sống ẩm thấp tại các khu nhà trọ nếu không quan tâm vệ sinh hàng ngày cũng dễ dàng lây bệnh và có thể bùng phát thành ổ dịch. Một vấn đề nữa là vào mùa tựu trường, các bé mắc bệnh sẽ rất dễ lây cho bé đang khỏe mạnh. Do vậy, cần bảo đảm vệ sinh phòng học, đồ chơi, đồ dùng học tập. Những trẻ bị bệnh TCM, tiêu chảy, SXH phụ huynh cần cho bé ở nhà để tránh lây lan cho trẻ khác. Với tất cả những bệnh truyền nhiễm trên, khi sốt cao nhiều ngày không hạ, tay chân có vết đỏ, tiêu chảy nhiều lần không giảm cần đưa đến cơ sở y tế để được điều trị đúng, tránh tình trạng để bệnh chuyển năng, gây biến chứng…

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên