Bệnh truyền nhiễm và vấn đề vệ sinh môi trường

Cập nhật: 12-06-2014 | 00:00:00

Từ đầu năm đến nay, ngoài bệnh sởi tăng đột biến và Bình Dương là một trong số tỉnh phía Nam có bệnh nhân (BN) mắc sởi nhiều thì các bệnh truyền nhiễm cũng khiến nhiều người lo lắng. Đây lại là những bệnh liên quan đến vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể nên rất cần ý thức giữ vệ sinh thật tốt.

Tình hình chung

Theo số liệu từ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, số ca mắc bệnh sởi đầu năm đến nay là 671 ca. Với căn bệnh này, các khoa Nhi, khoa Nhiễm của bệnh viện có những lúc bị quá tải, áp lực công việc trong khám, điều trị rất lớn khiến nhiều y, bác sĩ phải làm việc tăng giờ và vất vả hơn nhiều. Với các bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay - chân - miệng (TCM), tiêu chảy tuy không xảy ra tình trạng quá tải nhưng vẫn luôn có nhiều BN phải điều trị nội trú. Số BN mắc bệnh truyền nhiễm luôn liên quan đến vấn đề vệ sinh môi trường, dinh dưỡng và nguồn lây bệnh nên việc giữ cho môi trường sạch sẽ, cách ly nguồn lây bệnh là điều rất cần được quan tâm, không thể lơ là.  

  Trẻ rất dễ mắc bệnh truyền nhiễm nếu môi trường sống không sạch sẽ

Theo bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh, bệnh dịch xuất hiện nhiều ở những nơi môi trường ẩm thấp, nước đọng và nhiều ruồi muỗi. Nếu những nơi này có người mắc bệnh thì tình trạng lây lan sẽ diễn ra nhanh hơn, phức tạp hơn. Theo khuyến cáo của bác sĩ Nguyệt, do nắng nóng, thực phẩm dễ ôi thiu, mất vệ sinh, sức đề kháng của cơ thể trẻ còn yếu nên dễ mắc bệnh. Cần chú ý đến nguồn thực phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh tình trạng lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm như TCM, SXH, sởi… ở trẻ. Nếu thức ăn nghi ngờ bị ôi, thiu, nên bỏ đi. Một bệnh đáng lo và trẻ con cũng hay mắc phải là viêm đường hô hấp, sốt siêu vi vào mùa mưa.

Vệ sinh để phòng bệnh

Còn nhớ trong một lần đến làm việc và khảo sát một số bệnh viện tại Bình Dương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà chúng ta có thể ngăn chặn bằng thói quen rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày. Đừng để cho đôi tay nhiễm bẩn vì đó là nguồn lây bệnh. Thay đổi hành vi trong việc giữ gìn thân thể, giữ cho môi trường sống quanh mình thật sạch sẽ, thoáng mát cũng phòng bệnh, hạn chế được nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Gần đây, chiến dịch rửa tay bằng xà phòng cũng đã được các trường học, nhà trẻ, khu vui chơi công cộng… phát động nhằm nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân.

Hầu hết các trường mầm non hiện nay đều quy định, phân công thêm việc lau dọn phòng ốc, rửa đồ chơi cho trẻ đến từng giáo viên, bảo mẫu. Để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, sàn nhà lớp học, phòng chơi, phòng ngủ của trẻ cũng phải được lau chùi cẩn thận. Nhân viên y tế cũng khuyến cáo để tránh bệnh truyền nhiễm, người chăm sóc trẻ nên thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ (cho trẻ ăn, tắm rửa, thay đồ, chơi đùa với trẻ…). Trường hợp không có người chăm sóc riêng cho trẻ bị bệnh, người chăm sóc trẻ phải rửa tay thật kỹ bằng nước và xà phòng sau khi chăm sóc cho trẻ bệnh và trước khi chăm sóc trẻ lành. Cần thực hiện vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần đối với vật dụng, đồ chơi và khu vực sinh hoạt vui chơi của trẻ. Việc vệ sinh hàng ngày như: lau nhà, mặt bàn, kệ tủ mà trẻ thường tiếp xúc có thể sử dụng một số chất sát khuẩn thường được sử dụng gồm: bột Cloramin B 25%, các loại nước tẩy trắng (nước javel pha loãng với nước sạch để lau chùi).

Về phía gia đình, phụ huynh nên quan tâm hơn đến điều này. Nhiều bà mẹ khi được hỏi có bao giờ ngâm, rửa đồ chơi cho con không tỏ ra ngạc nhiên bởi “có gì mà phải rửa?”. Trong khi đó, trẻ con thường đưa đồ chơi lên miệng ngậm và rất dễ lây nhiễm vi khuẩn, nguồn lây bệnh. Một khi môi trường sống được cải thiện, ăn uống đầy đủ chất thì bệnh truyền nhiễm cũng giảm bớt.

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên