Bình Dương đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất

Cập nhật: 18-05-2016 | 08:41:44

Trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh việc áp dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ (KHCN), qua đó đã giúp các doanh nghiệp (DN), người dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cũng như tạo ra được những sản phẩm có uy tín không chỉ trong nước mà còn vươn ra thế giới.

Đổi mới công nghệ

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, trong thời gian qua, công tác KHCN của tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, phát huy hiệu quả và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Việc áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất đã giúp cho các DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước khẳng định được thương hiệu và mở rộng thị trường không chỉ trong nước mà còn vươn ra thế giới.

Thực tiễn cho thấy, việc áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, chế tạo các thiết bị, dây chuyền phục vụ sản xuất là điều kiện quan trọng để kinh tế của các nước phát triển. Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã triển khai các chương trình, đề án chuyển giao CN, hỗ trợ hoạt động KHCN đã giúp DN có điều kiện để nghiên cứu, áp dụng KHCN vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đã có nhiều DN trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đột phá trong việc áp dụng KHCN vào trong sản xuất như Công ty TNHH Minh Long I, Công ty TNHH Thiên Dược, Công ty Cổ phần Tôn Đông Á... Qua đó, đã tạo ra những sản phẩm có chất lượng ngang tầm với sản phẩm được sản xuất ở các nước có nền KHCN tiên tiến.

Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I (TX.Thuận An) cho biết, CN chiếm phần quan trọng trong việc sản xuất sản phẩm, bởi nếu như chúng ta có CN tốt sẽ tạo ra được những sản phẩm tốt, giá thành hợp lý. Công ty đã đầu tư hàng triệu USD để nhập khẩu hệ thống máy móc sản xuất hiện đại từ các nước có nền KHCN tiên tiến. Hiện tại, sản phẩm mang thương hiệu Minh Long I có trên 15.000 chủng loại, riêng hàng xuất khẩu có hơn 3.000 mẫu mã khác nhau cung ứng cho thị trường trong nước và nước ngoài như Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Singapore…

Bên cạnh đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, việc đổi mới sáng tạo, cải tiến trong CN sản xuất cũng được các DN tại Bình Dương chú trọng vì đây là yếu tố tạo nên lợi thế trong cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu. Ông Tạ Hữu Toàn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hữu Toàn (TX.Thuận An) cho biết, để có được kết quả tốt nhất cho một sản phẩm, ngoài việc lựa chọn các đối tác cung ứng thiết bị của các nước có nền KHCN tiên tiến như Nhật Bản, Đức…, công ty còn thành lập Phòng nghiên cứu phát triển để tập trung nghiên cứu, cải tiến, đưa các tiến bộ KHCN vào sản xuất để cho ra sản phẩm tốt nhất, theo những tiêu chuẩn mà khách hàng yêu cầu. Vừa qua, công ty đã xuất sang thị trường Nhật Bản máy phát điện công suất 2.000KVA. Để đạt được thành công này, đội ngũ kỹ thuật của công ty cùng với đội ngũ kỹ thuật của đối tác đã làm việc trong suốt 2 năm qua.

Thông qua việc đầu tư dây chuyền sản xuất, đổi mới công nghệ đã giúp các DN trong tỉnh tạo dựng được thương hiệu. Trong ảnh:Hệ thống máy móc sản xuất của Công ty Cổ phần Hữu Toàn tại nhà máy Bình Dương (phường Thuận Giao, TX.Thuận An). Ảnh:HOÀNG PHẠM 

Xây dựng thương hiệu nông nghiệp an toàn

Cùng với việc đẩy mạnh áp dụng KHCN trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh Bình Dương còn triển khai áp dụng KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 925 ha đất nông nghiệp ứng dụng KHCN mới vào các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao. Nhiều mô hình trình diễn nông nghiệp được triển khai thực hiện như trồng các loại cây trong nhà lưới, hệ thống tưới cải tiến (tự động, nhỏ giọt, phun sương)... và sử dụng những giống mới, canh tác theo quy trình VietGAP, Global GAP đã đem lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao trên địa bàn tỉnh ngày một tăng. Điều này đã tạo được một diện mạo mới cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Ngô Văn Dinh, Phó Giám đốc Sở KHCN cho biết, hiện nay KHCN trở thành yếu tố chính giúp tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng nông sản. Việc ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất đã góp phần nâng cao giá trị nông sản của tỉnh, bảo đảm các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm và đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, qua đó cũng giúp cho người dân thay đổi tư duy sản xuất truyền thống, từng bước áp dụng những tinh hoa của KHCN vào sản xuất nông nghiệp.

Tại Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo), trên diện tích sản xuất 380 ha hiện đã trồng 340 ha cây ăn quả, 10 ha cây cảnh, 10 ha rau an toàn và 20 ha các loại cây trồng khác. Trong các loại cây ăn quả có 180 ha chuối được trồng theo tiêu chuẩn của Nhật Bản, Hàn Quốc và 140 ha cây có múi sản xuất theo quy trình VietGAP. Hầu hết sản phẩm của Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái đã có mặt trong hệ thống siêu thị lớn như Metro, Big C... tại Việt Nam; ngoài ra còn được giới thiệu đến thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Bên cạnh đó, những mô hình trồng cây ăn trái, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP có diện tích lớn và hiệu quả kinh tế cao như vườn cam của ông Lâm Thành Thắng (xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên) có quy mô hơn 50 ha, trang trại bưởi da xanh Thanh Thủy (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng) diện tích hơn 14 ha, trang trại quýt đường Chín Phấn (xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng) diện tích hơn 13 ha… mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.

Có thể nói, những hoạt động kết nối chuyển giao, áp dụng tiến bộ KHCN phục vụ sản xuất trên các lĩnh vực của tỉnh đã mang lại kết quả tốt, nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, những hoạt động này còn góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của DN, người dân trong việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh. Từ đó cho ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Ngày 18-5 hàng năm được chọn là ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ công bố 18-5 là Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam (ngày 18-5- 2014), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (lúc đó) đã nêu rõ sự kiện này không chỉ nhằm tôn vinh các nhà khoa học, mà còn nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam.

Giới khoa học chọn ngày 18-5 bởi ngày này gắn với một sự kiện lịch sử. Đó là vào ngày 18-5-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và phát biểu tại Đại hội lần thứ nhất của Hội phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Trong lời nói ngắn gọn nêu trên, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ nguyên lý, mục tiêu và sứ mệnh cao cả của KHCN. Lời dạy của Hồ Chủ tịch đã trở thành kim chỉ nam cho KHCN Việt Nam trong suốt chặng đường bảo vệ và xây dựng đất nước hơn 50 năm qua.

Tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII, Luật KHCN (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua, trong đó quy định lấy ngày 18-5 hàng năm là Ngày KHCN Việt Nam.

 

HOÀNG PHẠM

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1135
Quay lên trên